Từng bị chĩa súng vào đầu, dí dao vào người, đối mặt với rắn độc... nhưng người phụ nữ 47 tuổi chẳng hề sợ hãi gì, bởi chị mắc một căn bệnh di truyền hiếm gặp.
Hầu hết chúng ta đều sẽ run khi đối mặt với một con nhện độc hay vách đá chênh vênh nguy hiểm, nhưng chị SM không có cảm giác đó. Người phụ nữ Mỹ này, được các bác sĩ gọi là SM, từng được đặt vào nhiều tình huống đe dọa tới mạng sống nhưng vẫn không một chút nao núng. Chị không hề hoảng loạn khi bị chĩa dao, súng vào người và cũng chẳng gọi cảnh sát sau khi đối mặt với những cuộc tấn công này.
Chị từng bị người chồng đầu tiên đánh gần như đến chết nhưng chẳng cảm thấy sợ hãi. Khi gặp rắn độc, chị chỉ tò mò chứ không hề sợ và phải kiềm chế lắm mới không đụng vào chúng.
Trong khi các bác sĩ cố gắng nghiên cứu trường hợp của chị SM hơn một thập kỷ qua, chưa tờ báo nào tiếp cận và phỏng vấn được chị. Lý do là nhóm các nhà khoa học về thần kinh, Đại học Iowa (Mỹ) - những người thực hiện nghiên cứu, cho biết, nếu đặc điểm này của bệnh nhân được công khai, mọi người có thể dễ dàng lợi dụng chị.
Vì vậy, tiến sĩ Daniel Tranel, Đại học Iowa, đã tự thực hiện cuộc phỏng vấn và chuyển bài cho các nhà báo tại đài phát thanh NPR để phát trong chương trình Invisibilia.
Ảnh minh họa: Capitalbay.com
Tiến sĩ Tranel bắt đầu bằng việc đề nghị chị SM, 44 tuổi, mẹ của ba đứa trẻ, miêu tả những gì chị sợ. "Ồ, đó là điều tôi đang cố gắng để có", người phụ nữ đáp. Chị nhớ, khi còn nhỏ từng sợ một con cá trê bố bắt về vì không muốn bị nó cắn. Đó là lần duy nhất chị có thể nhớ về cảm xúc này.
Việc không biết sợ là gì đã khiến chị SM nhiều lần rơi vào những tình huống rợn tóc gáy. Khi các con trai còn nhỏ, có lần chị đi bộ đến cửa hàng mua đồ thì một người đàn ông đang ngồi trên ghế công viên gọi chị lại. "Anh ta kéo áo tôi và gí chiếc dao vào họng tôi, bảo rằng sẽ đâm tôi. Tôi nói với anh ta là "tiến lên và đâm đi", người phụ nữ kể lại. Người đàn ông kia đã thả chị ra và chị về nhà, không gọi cho cảnh sát sau sự việc này vì không thấy có gì nguy hiểm.
SM mắc chứng bệnh hiếm gặp gọi là Urbach-Wiethe - khiến các phần não của chị cứng hơn và mòn dần.
Hội chứng không biết sợ (Urbach-Wiethe) là gì?
Urbach-Wiethe là một rối loạn di truyền hiếm gặp. Các nhà khoa học xác định được khoảng 400 người trên thế giới mắc bệnh này. Các triệu chứng của bệnh rất khác biệt ở mỗi trường hợp. Đó có thể bao gồm giọng khàn, có những u nhỏ quanh mắt, da dễ bị tàn phá với những vết thương khó lành. Các triệu chứng khác có thể da khô, nhăn nheo, nhìn chung da và màng dầy khá dày. Một số trường hợp còn có lắng cặn canxi trong não. Sự lắng cặn này khiến các phần của não bị vôi hóa và cứng lên, có thể dẫn tới bệnh động kinh và các bất thường khác như không biết sợ, trong trường hợp của SM. Bệnh thường không đe dọa tính mạng và bệnh nhân không thể hiện là bị giảm tuổi thọ.
Ở trường hợp của chị SM, các cấu trúc giống như hạt hạnh nhân gọi là hạch hạnh nhân được tìm thấy ở sâu trong não đã bị vôi hóa và mòn đi. Hạch này nằm ở tâm não, là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc ở con người, trong đó có phản ứng sợ hãi và chị SM không có khả năng biết sợ.
Thông thường, trong những tình huống có thể gây nguy hiểm, hạch hạnh nhân sẽ gửi tín hiệu tới cơ thể để giảm các triệu chứng sợ hãi như tim đập nhanh và lòng bàn tay đổ mồ hôi. Nhưng với SM, vì một phần này của não không tồn tại, chị không trải qua những đặc điểm này trong tình huống mà những người khác cảm thấy sợ hãi. Chị cũng không thể nhận ra biểu cảm sợ trên gương mặt người khác.
Các bác sĩ lưu ý đây là một khiếm khuyết đơn lẻ: Chị có trí thông minh bình thường và cảm thấy các cảm xúc khác như vui, buồn, giận cũng giống như mọi người. Các nhà khoa học Iowa đã tạo ra được cảm giác sợ hãi cho chị SM vào năm 2013 khi họ cho chị hít carbon dioxide. Thậm chí ở nồng độ thấp, nếu hạch hạnh nhân phát hiện có carbon dioxide trong cơ thể, thông thường sẽ gây cảm giác sợ hãi và hoảng loạn vì đó là dấu hiệu có thể bị nghẹt thở. Các nhà khoa học dự đoán chị SM không hoảng loạn sau khi hít khí này, song thực tế chị đã sợ.
Giáo sư Antonio Damasio, một nhà thần kinh học tại Đại học Iowa đã dành nhiều thời gian nghiên cứu trường hợp SM. Ông cho rằng điều đáng chú ý ở bệnh nhân này, khi không biết sợ là gì có nghĩa chị không hề có các ký ức đau buồn.
Với các sự việc xảy ra trong đời, chị SM không coi điều gì là tồi tệ hay nguy hiểm. Thậm chí, ngay cả việc suýt bị chồng đánh đến chết, trí nhớ của chị cũng không coi là một nỗi đau và để lại vết hằn cảm xúc có thể gây vấn đề tâm lý như với người khác.
"Nếu bạn không biết sợ, sẽ có khả năng có nhiều điều tồi tệ hơn xảy ra với bạn nhưng bạn không coi đó là tệ. Nếu bạn hay sợ hãi, bạn sẽ gặp ít điều xấu xảy ra nhưng tự bản thân lại cho là cuộc đời mình đầy nỗi đau. Vậy thì, biết sợ hay không biết sợ sẽ tốt hơn?", giáo sư Damasio nói.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu trường hợp chị SM có thể giúp gì cho những người có những ký ức đau buồn như người lính mắc hội chứng rối loạn stress sau chấn thương không. Họ tin rằng, tìm ra cách điều trị làm giảm hoạt động của hạch hạnh nhân có thể giúp những bệnh nhân bị hội chứng này.