Năm 1840, nước Pháp xảy ra một sự kiện kinh thiên động địa, tạo ra bước ngoặt trong lịch sử điều tra tội phạm thế giới. Ở đó, người phụ nữ xinh đẹp Marie Cappelle hóa thân thành quỷ dữ, lên kế hoạch giết chồng một cách tinh vi chỉ để phản đối cuộc hôn nhân sắp đặt.
Cuộc hôn nhân sắp đặt - khởi nguồn của vụ giết chồng lịch sử
Marie Cappelle là một phụ nữ xinh đẹp của tầng lớp thượng lưu Pháp thế kỷ 19. Sinh năm 1816 tại Paris, Marie là con của một sỹ quan pháo binh có tiếng ở xứ lục lăng. Thậm chí người ta còn cho rằng Marie là hậu duệ của Vua Louis XIII. Không chỉ sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời, Marie còn được sử sách mô tả là mang trong mình nhiều tài năng thiên phú.
Bức chân dung tự họa của Marie Cappelle.
Cuộc đời của Marie Cappelle lẽ ra cứ thế yên ả trôi đi, nếu không có một sự kiện đã khiến mọi thứ rẽ sang một trang khác. Năm Marie 12 tuổi, cha cô qua đời vì tai nạn trong một cuộc săn bắn. Mẹ cô tái hôn, rồi cũng mất sau đó 7 năm. Dì ruột của Marie - vốn là người phụ nữ quyền lực và kết hôn với Tổng thư ký Ngân hàng Pháp, nhận nuôi đứa cháu gái ngây thơ không nơi nương tựa.
Được dì ruột chăm sóc chu đáo, thậm chí còn gửi đến nuôi dạy ở trường học dành cho tầng lớp quý tộc, nhưng Cappelle không bao giờ biết hài lòng. Cô ý thức được rằng mình là một người nghèo khó, song lại luôn cố gắng thể hiện trước đám đông về xuất thân từ tầng lớp thượng lưu với một cuộc sống sang giàu. Và Marie bắt đầu ghen tỵ trước những thứ mà mình không có, bao gồm cả những người chồng giàu có mà đám bạn thượng lưu vẫn kết hôn.
Vì thế, Marie Cappelle quyết định phải lấy một người chồng giàu có. Năm Marie 23 tuổi, cô vẫn chưa kết hôn - và đó là một độ tuổi tương đối cao của thế kỷ 19. Một người chú đứng ra nhận “trách nhiệm” tìm cho cô cháu gái đấng lang quân. Đối tượng đã có, nhưng Marie lại không hào hứng với cuộc hôn nhân sắp đặt đó.
Cuốn Mémoires mà Marie Cappelle viết trong tù.
Charles Lafarge - người sau này sẽ lấy Marie Cappelle, là một người đàn ông cao lớn nhưng tính tình thô lỗ. Dù vậy, anh ta cũng là con nhà danh gia vọng tộc. Thế nhưng, sau Cách mạng Pháp, nhà Lafarge rơi vào tình cảnh khốn khó. Charles thậm chí còn khiến gia đình nợ chồng thêm nợ vì làm ăn thua lỗ. Vốn đã không ưng người chồng kệch cỡm, thua xa mình về ngoại hình, Marie càng trở nên chán ngán khi gia đình rơi vào cảnh cơ hàn. Và cô ả bắt đầu lên kế hoạch cho một sự giải thoát.
Phiên tòa chưa từng có và sự ra đời của khám nghiệm tử thi
Tháng 12/1939, Marie thuyết phục chồng đến Paris, nơi cô nói rằng đã tìm được một công việc hái ra tiền. Trước ngày Charles lên đường, Marie thuyết phục chồng lập di chúc. Để tăng tính thuyết phục, cô ả cũng lập di chúc, dành toàn bộ tài sản cho chồng nếu bản thân có mệnh hệ nào. Và Marie cũng yêu cầu Charles điều tương tự. Chiều ý vợ, Charles Lafarge lập di chúc. Nhưng có lẽ Marie không thể ngờ rằng Charles lại lẳng lặng thay đổi, dành hết mọi tài sản cho mẹ thay vì người vợ đầu ấp tay gối.
Khi Charles đến Paris, Marie viết một bức thư tình say đắm, kèm theo hai món quà: Một bức tranh và một chiếc bánh Giáng sinh. Anh chỉ ăn một miếng nhỏ, nhưng bị ốm dữ dội vào ngày hôm sau. Những triệu chứng của Charles giống với một người mắc bệnh tả. Người chồng của Marie bỏ qua lời khuyên can dùng thuốc của bác sỹ, chỉ bỏ chiếc bánh đi và nghĩ rằng nó bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Bức tranh về vụ đầu độc chồng của Marie.
Charles Lafarge tức tốc trở về quê nhà ở Le Glandier. Nhưng khốn khổ thay, tình trạng của Charles chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Bác sỹ Bardon không mảy may nghi ngờ yêu cầu của Marie, rằng cô cần mua thạch tín để diệt chuột, không muốn chúng gây tiếng động vào buổi tối khiến chồng cô thức giấc.
Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, Charles Lafarge nguy kịch và qua đời. Có quá nhiều điều nghi vấn xung quanh cái chết của Charles. Và người ta bắt đầu cho rằng Charles bị đầu độc, chứ không phải bệnh tả thông thường. Anna Bun - một người thân quen của Charles - người luôn để ý đến từng hành động nhỏ của Marie, tin rằng có điều mờ ám. Chỉ có điều khoa học và pháp y ngày đó không đủ tiến bộ để chứng minh.
Theo lời khai của người làm vườn, anh ta mua thạch tín theo yêu cầu của Marie, ngay trước thời điểm cô gửi bánh đến Paris cho Charles. Và nghi án này càng có cơ sở, theo lời khai của những người xung quanh. Ngay lập tức Marie Cappelle bị bắt, nhưng vẫn chưa có đủ bằng chứng để buộc tội là Marie đã đầu độc Charles Lafarge.
Nhà khoa học Mathieu Orfila - một người thân của Charles, yêu cầu khám nghiệm tử thi. Ông ta sử dụng phương pháp hóa học của nhà khoa học Scotland có tên James Marsh. Bằng rất nhiều phương pháp hóa học đặc biệt, Moran đã chứng minh được rằng Marie Cappelle có tội. Trong ruột của Charles có chứa chất asen, là kết quả của vụ đầu độc bằng thạch tín.
Ngay lập tức Marie Cappelle bị bắt. Cô vợ xinh đẹp nhưng tàn ác này bị giam giữ đến tháng 6/1852, nhưng sau đó mắc bệnh lao trong tù và được phóng thích bởi Napoleon III. Chỉ đến tháng 11, Marie qua đời trong cơn bạo bệnh. Cho đến những ngày tháng cuối cùng, Marie vẫn phản đối mọi cáo trạng mà quan tòa và dư luận nhắm vào mình, rằng cô vô tội và không giết chồng Charles Lafarge.