Tảng đá trung tâm của vòng tròn đá cổ Stonehenge tại Anh được gọi là Altar Stone (Đá Bệ thờ). Các nhà nghiên cứu đã vừa khám phá ra nguồn gốc của nó - hóa ra nó có xuất xứ khác với những gì mà giới khoa học vẫn tin tưởng lâu nay. Điều này khiến bãi đá cổ Stonehenge vốn đã bí ẩn nay càng thêm bí ẩn.
Stonehenge là công trình đá cổ từ thời tiền sử ở Wiltshire (Anh), gồm một vòng tròn bên ngoài là những khối đá sa thạch (gọi là sarsen) lớn dựng đứng, mỗi khối đá cao 4 mét, rộng 2,1 mét, nặng khoảng 25 tấn. Bắc ngang phía trên của chúng là những khối đá khác được đặt như dầm nhà, một số được ghép bằng những khớp nối. Bên trong là một vòng tròn gồm những khối đá xanh nhỏ hơn. Bên trong nữa lại là các khối đá khác. Toàn bộ công trình này được sắp xếp để thẳng hàng với sự di chuyển của Mặt trời vào ngày Hạ chí và Đông chí.
Bãi đá cổ Stonehenge. (Ảnh: Wirestock/ iStock/ Getty Images Plus).
Stonehenge là một địa điểm Di sản Thế giới của UNESCO và là một trong những công trình đá tiền sử được bảo tồn tốt nhất. Đến bây giờ vẫn không ai giải mã được hết những bí ẩn về nơi này. Người ta cho rằng đây có thể là nơi làm các nghi lễ tôn giao, hoặc dùng để tính ngày tháng trong năm, hoặc thậm chí có thể là nơi để gửi/ nhận tín hiệu của người ngoài hành tinh…
Trong khi những bí ẩn đó còn chưa có lời giải thì bây giờ, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra một bí ẩn nữa về bãi đá cổ này.
Hình ảnh tuyệt diệu khi nhìn từ bên trong bãi đá Stonehenge vào lúc Mặt trời mọc trong ngày Hạ chí. (Ảnh: Mystic Realms/ EarthSky).
Ở trung tâm của Stonehenge là Đá Bệ thờ - một phiến đá sa thạch khổng lồ, mà nguồn gốc và mục đích của nó là một trong những bí ẩn lớn nhất của thế giới trong gần 5.000 năm nay.
Giờ đây, một nghiên cứu mới, được đăng trên tạp chí Nature đã tiết lộ rằng, khối đá đồ sộ hình chữ nhật này xuất xứ từ Scotland, cách bãi đá Stonehenge 750 km.
Các nhà nghiên cứu cho biết, dấu vân tay địa hóa của tảng đá này trùng khớp hoàn hảo với đá nền ở Scotland. Dấu vân tay địa hóa là dấu hiệu hóa học cung cấp thông tin về nguồn gốc, quá trình hình thành và/ hoặc môi trường của một mẫu địa chất, theo trang GeoScienceWorld.
Đá Bệ thờ ở trung tâm của bãi đá Stonehenge. (Ảnh: The Stones Of Stonehenge).
Như vậy là bí ẩn về nguồn gốc của Đá Bệ thờ đã được giải, nhưng điều này lại đặt ra một bí ẩn khác: Làm sao mà những người tiền sử - từ khoảng 2.500 năm trước Công nguyên - đưa một khối đá lớn như vậy - nặng khoảng 6 tấn, dài 5 mét, rộng 1 mét - qua một quãng đường dài như vậy?
Mới đây, các nhà khoa học đã khẳng định rằng những khối đá sa thạch dựng đứng được đưa đến từ Marlborough, khá gần với địa điểm của Stonehenge. Nhưng hóa ra, riêng Đá Bệ thờ ở trung tâm của vòng tròn đá lại có nguồn gốc khác biệt đến thế.
Khám phá này khiến các nhà nghiên cứu đang hết sức ngạc nhiên. Chưa một tảng đá nào, từ bất kỳ một công trình nào khác được tạo thành ở cùng thời điểm, đã được di chuyển xa đến vậy.
“Chuyện này thực sự gây sửng sốt” - Robert Ixer, một nhà nghiên cứu ở ĐH London, nói.
Các nhà khoa học đã tìm hiểu về bãi đá Stonehenge suốt nhiều năm qua mà không tìm được lời giải. (Ảnh: Matt Cardy/ Getty Images).
Những bí ẩn về bãi đá Stonehenge vẫn chồng chất. Susan Greaney, một nhà khảo cổ học ở ĐH Exeter (Anh), nhận định: “Vị trí của tảng đá này ở trung tâm như trái tim của công trình, trên đúng trục (thẳng hàng với Mặt trời lúc mọc và lặn) vào các ngày Hạ chí và Đông chí, cho thấy những người thời đó nghĩ rằng tảng đá có tầm quan trọng đặc biệt”.