Nguy cơ dễ gặp với mứt, ô mai thủ công

Các loại mứt hoa quả, ô mai thủ công đang được bày bán nhiều tại chợ, thường là không nhãn mác. Chuyên gia cảnh báo chúng tiềm ẩn nhiều hóa chất có hại.

Phần lớn sản phẩm này được bày bán trong các chợ đầu mối như Đồng Xuân, Long Biên...


Làm mứt tại một cơ sở thủ công ở làng nghề Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Phó giáo sư Trần Đáng (nguyên Cục trưởng An toàn Thực phẩm) nhận định, các loại mứt, ô mai thủ công thường không được giám sát chặt chẽ trong khâu sản xuất, kiểm nghiệm, nên dễ nhiễm hóa chất độc hại. Chúng có thể gặp vấn đề ở nhiều khâu, cụ thể:

- Từ nguồn nguyên liệu sản xuất, kỹ thuật trồng có thể gây ra biến đổi gene, khiến củ, quả như cà rốt, bí… to hơn bình thường. Người trồng cũng sẽ không ngại dùng các thuốc kích thích, phun hóa chất bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc. Ngoài ra, hoa quả không được bảo quản có thể bị dập, thối, nấm mốc, từ đó sản sinh ra chất orchratoxin có khả năng gây ung thư gan.

- Vấn đề cơ sở chế biến cũng rất đáng để lưu tâm. "Nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ, thủ công, hầu hết làm bằng tay chân khiến hoa quả bị ô nhiễm, mất vệ sinh mà chỉ tận mắt quan sát ta mới thấy”, ông Đáng khẳng định.

- Quá trình chế biến dùng quá nhiều loại phẩm màu, chất bảo quản ngoài quy định của Bộ Y tế, không tốt cho sức khỏe. “Tất nhiên là phải có phẩm màu thì mới có màu đẹp, bắt mắt, phải sử dụng chất bảo quản thì mới giữ mứt, ô mai được lâu, nhưng người sản xuất thường dùng quá mức cho phép để đạt lợi nhuận cao…”, phó giáo sư Đáng lưu ý.

- Cuối cùng là quá trình vận chuyển lưu thông những loại mứt, ô mai này. Có thể ngay trong quá trình chuyển hàng về khu vực tiêu thụ thì chúng đã bị mốc, bị hỏng nhưng người bán không ngần ngại làm mới chúng.


Người dân nên cảnh giác với các loại mứt, ô mai bán dạng cân, không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Nguyễn Hòa)

“Chẳng thiếu những chuyện mứt, ô mai mốc được lau đi rồi lại dán giấy bóng và bán. Nếu ai ăn phải những thứ bị nấm mốc này đều rất nguy hiểm. Trong điều kiện môi trường ẩm rất có khả năng vi sinh vật bị ô nhiễm dưới dạng nha bào, nhiều sản phẩm tự bị hư hỏng trong quá trình chuyển hóa…”, PGS Trần Đáng cho biết.

Từ đó, người tiêu dùng có khả năng mắc một số bệnh tật. Vị chuyên gia về thực phẩm cảnh báo thường thấy nhất là ngộ độc cấp tính. Biểu hiện của nó là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt. Nhưng nguy hiểm hơn là ngộ độc mãn tính. Nếu hấp thụ quá nhiều những loại mứt, ô mai này, chất độc tích lũy nhiều và dày lên, gây ngộ độc cho gan. Nấm mốc và chất bảo quản là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư và các bệnh về máu, xương, thận.

Chung nhận định với phó giáo sư Trần Đáng, phó giáo sư Hà Văn Thuyết (nguyên giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định: “Nguồn nguyên liệu để làm mứt Tết, ô mai rất khó kiểm soát, vì thế có khả năng bị nhiễm thuốc trừ sâu, phân bón… Ngoài ra, còn là nguồn hóa chất, chất đường sử dụng nhiều không đúng quy định, quá mức cho phép..., từ đó chứa nhiều độc tố gây bệnh mà dễ thấy nhất là ngộ độc thực phẩm”.

Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng chỉ nên mua những sản phẩm đã được cơ quan y tế cấp giấy phép đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Mọi người đừng bao giờ quên đọc nhãn mác, hạn sử dụng…, cần phải biết rõ nguồn gốc, có đảm bảo dùng hay không thì hãy mua. Mỗi người hãy tự phát huy tính thông thái của mình thông qua việc nhìn, ngửi, nếm để xem có nấm mốc hay không, có ngon hay không… rồi hãy quyết định”, phó giáo sư Đáng nói.

Ông cũng khuyên mỗi gia đình có thể tự chế biến sản phẩm theo sách hướng dẫn, vừa không sử dụng nhiều chất cấm, chất bảo quản, vừa đảm bảo nguyên liệu sạch, rõ nguồn gốc lại khỏe mạnh.

Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video