Cần gói phần chi bị đứt lìa trong khăn ướt sạch hoặc vải ẩm, cho vào túi nilon kín rồi giữ trong thùng nước đá lạnh.
Chấn thương dẫn dến đứt lìa một phần cơ thể là tai nạn có thể gặp trong lao động, giao thông, sinh hoạt, thiên tai, chiến tranh. Bộ phận đứt lìa thường là ngón tay, ngón chân, một phần chi trên hoặc chi dưới, có thể nối lại thành công bằng vi phẫu thuật dưới kính hiển vi. Tuy nhiên để nối thành công, khi tai nạn xảy ra cần biết sơ cứu, bảo quản và chăm sóc các bộ phận đó đúng cách. Trên thực tế, hầu hết người dân rất lúng túng trong xử trí dẫn đến phải bỏ đi phần chi thể của nạn nhân đáng ra có thể nối lại được.
Bảo quản tốt các bộ phận cơ thể bị đứt lìa
Trong trường hợp các bộ phận như tay, chân bị đứt lìa cần phải giữ gìn và bảo quản cẩn thận, đảm bảo không để quên hay bỏ sót phần nào. Thu thập đủ phần chi thể đứt lìa xong cần đưa ngay vào nơi mát, bóng râm. Tuyệt đối không được để phần chi thể ấy ngoài ánh sáng, những nơi quá nóng trên 42 độ C sẽ thúc đẩy quá trình hư hoại và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Gói phần chi thể đứt lìa trong một chiếc khăn ướt hoặc vải ẩm sạch, đặt vào một túi nilon hoặc túi nhựa rồi đóng kín. Sau đó đặt túi nilon vào trong nước đá lạnh. Tốt nhất nên cho vào một thùng đá kín không tiếp xúc với ánh nắng và lượng đá phải đủ cho quãng đường từ nơi xảy ra tai nạn đến nơi cấp cứu.
Nếu chỉ dùng nước lạnh thì không đủ sức bảo quản phần chi này đứt lìa phải có đá lạnh phủ kín ở phía ngoài túi nilon. Tuyệt đối không đặt trực tiếp phần chi thể ấy trong nước đá mà không sử dụng túi nhựa bao bọc bên ngoài. Không để tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh, đá khô vì sẽ gây tê cóng, bỏng lạnh làm hoại tử mô, ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục mô sau khi nối lại.
Sau khi hoàn tất các bước, hãy bàn giao phần chi thể đứt rời cho lực lượng y tế tại chỗ hoặc vận chuyển về cơ sở điều trị chuyên khoa gần nhất để nối lại chi cho người bị nạn. Phần chi thể đứt lìa được bảo quản và làm mát đúng cách có thể được sử dụng cho phẫu thuật nối ghép trong vòng khoảng 18 giờ; nếu không được bảo quản và làm mát chỉ có thể sử dụng trong vòng 4 đến 6 tiếng đồng hồ.
Về nguyên tắc trong bất kỳ tình huống tai nạn chấn thương nào, điều quan trọng nhất cần chú ý là các dấu hiệu sinh tồn của người bị nạn, sau đó mới đến chi và các bộ phận đứt rời. Việc sơ cứu gồm các bước sau:
Kiểm tra hô hấp
Trước tiên, cần kiểm tra đường thở, hô hấp của nạn nhân. Kịp thời loại bỏ những dị vật cản trở đường thở như đất, bùn, đờm rãi để đảm bảo nạn nhân có thể hô hấp tự nhiên.
Tuần hoàn
Bước tiếp theo là kiểm tra nhịp thở và tuần hoàn. Nếu nạn nhân không còn tự thở được, cần tiến hành ngay các biện pháp hồi sinh tim phổi như bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. Để tay giữa ngực nạn nhân, giữ bằng ức bàn tay, nhấn tim liên tục khoảng 100 lần một phút, liên tục không được dừng lại cho đến khi họ thở lại được. Trong khi nhấn tim, cần kết hợp hà hơi thổi ngạt khoảng 7-8 lần mỗi phút, tức là cứ trung bình nhấn tim 30 lần thì hà hơi thổi ngạt 2 lần. Kiên trì như vậy cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu thở trở lại.
Lưu ý khi nhấn tim và hà hơi thổi ngạt, phải đặt nạn nhân ở nơi thoáng đãng, trên nền cứng. Nếu nạn nhân nằm trên giường lò xo hoặc nơi có độ lún sẽ làm cho việc nhấn tim không có tác dụng.
Các bước hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực. (Ảnh: suckhoedoisong).
Cầm máu
Sau khi đảm bảo tình trạng hô hấp và tuần hoàn ổn định mới bắt đầu cầm máu bằng cách tạo lực ép trực tiếp vào vết thương đồng thời nâng cao vùng tổn thương. Như thế sẽ tránh bị mất máu liên tục dẫn đến sốc.
Nếu máu vẫn chảy không cầm được, cần kiểm tra lại để tìm ra đúng vị trí xuất phát chảy máu rồi tiếp tục sử dụng lực ép chặt hơn. Nếu chảy máu nhiều, việc đè ép, băng ép khó cầm máu được, có nguy cơ đe dọa tính mạng nạn nhân thì áp dụng biện pháp băng garo chặt sẽ giúp cầm máu dễ dàng hơn. Nguyên tắc đặt garo là phải chặn đường đi của mạch máu đến vết thương.
Cần đặt băng ở phía trên vết thương 2-3cm. Quấn vòng một vừa phải, vòng 2 chặt hơn, vòng 3 chặt nhất, vòng 4 nới rộng để nhét đầu băng còn lại vào.
Lưu ý: Đặt garo không quá 6 tiếng, mỗi tiếng nới rộng ra một lần, mỗi lần nới không quá một phút. Tại hiện trường, nếu không có băng thì dùng 2-3 chiếc khăn mùi xoa hoặc vải thay thế.
Ủ ấm
Trong quá trình sơ cứu, phải chú ý đề phòng sốc. Nếu thấy đường thở không có vấn đề gì thì đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, ủ ấm bằng chăn hoặc vải. Gác chân lên cao khoảng 30cm để ưu tiên cấp máu cho các cơ quan quan trọng.
Lưu ý khi di chuyển bệnh nhân cần phải có 2 người. Đặc biệt đối với trường hợp nghi ngờ chấn thương sọ não, cột sống, khi di chuyển phải cẩn thận, nhẹ nhàng, đúng cách nếu không sẽ để lại di chứng nghiêm trọng về sau. Sau khi kiểm soát tốt việc cầm máu mới kiểm tra các dấu hiệu tổn thương khác ở xương hay mô mềm. Cần loại bỏ các vết bẩn, dị vật có thể gây ô nhiễm vết thương như đất, sỏi đá bằng cách rửa với nước sạch.