Việc một nhà khoa học Mỹ vừa đưa ra dự báo nguy cơ trận sóng thần mới ở châu Á khủng khiếp hơn trận 26-12-2004 lại làm dấy lên sự cần thiết xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Việt Nam.
Đây cũng là vấn đề vốn đang gây tranh cãi. Đáng chú ý là, các nghiên cứu mới nhất lại cho thấy nguy cơ sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam sẽ rất cao nếu...
Theo TS Ngô Thị Lư, Viện Vật lý Địa cầu, chỉ riêng những gì đã xảy ra, thiệt hại và hậu quả vô cùng thảm khốc do trận động đất kèm sóng thần Andaman - Sumatra ngày 26-12-2004 gây ra, cũng buộc chúng ta phải trả lời nghiêm túc các câu hỏi đại loại liệu có khả năng xảy ra sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam không, chúng ta cần phải làm gì để có thể giảm thiểu nguy cơ này (nếu có)...
Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu về chế độ động đất ở biển Đông và các điều kiện hình thành sóng thần, các khả năng dự báo nhằm giảm nhẹ những thiệt hại do chúng có thể gây ra đã bắt đầu xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Theo rất nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà địa chấn và các nhà hải dương học trong nước và quốc tế, sóng thần ít xảy ra và không quá nguy hiểm ở vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, tại phía tây Philippines (tức rìa phía đông biển Đông), từng xảy ra động đất mạnh với đầy đủ các điều kiện để gây ra sóng thần như năng lượng đủ lớn (M > 8), độ sâu chấn tiêu nhỏ (h < 30 km) và có cơ chế trượt thuận. Đồng thời tại đây thực tế cũng đã xảy ra sóng thần.
Mặt khác, các số liệu GPS đo dịch chuyển tuyệt đối ở Việt Nam và Thái Lan cho thấy chuyển dịch của Đông Dương về phía đông có vận tốc 3±0,2 cm/năm. Chuyển dịch của Philippines về phía tây không dưới 8 cm/năm. Như vậy, tốc độ chuyển dịch tương đối giữa hai mảng không dưới 10 cm/năm.
Tốc độ này lớn hơn so với tốc độ của mảng Ấn Độ hút chìm dưới mảng Burma. Vì thế, nếu động đất có khả năng gây sóng thần xảy ra tại ranh giới giữa mảng Philippines và mảng châu Á, nguy cơ sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam sẽ rất cao.
Do đó, việc tiến hành xem xét và nghiên cứu động đất có khả năng gây sóng thần ảnh hưởng đến vùng bờ biển Việt Nam và tìm các giải pháp xây dựng hệ thống và cơ chế cảnh báo sớm động đất và sóng thần nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do nó có thể gây nên là vô cùng cần thiết đối với Việt Nam và các vùng lân cận.
Các nhà khoa học từng ghi nhận được những câu chuyện về thảm họa ven bờ biển Việt Nam trong vòng 100 năm qua dù tính chính xác rất mỏng. “Không thể mất cảnh giác với nguy cơ sóng thần”, PGS. TS Vũ Thanh Ca, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ mới, Viện Khí tượng Thủy văn nói.