Ngày 23/8, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng Chương trình chống lao quốc gia khu vực B2 (Tây Nguyên và Nam Bộ) tổ chức tại Đà Lạt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Ngọc Sỹ - Chủ nhiệm Dự án phòng, chống lao quốc gia cho biết, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân lao điều trị thất bại do đa kháng thuốc ở Việt Nam là 3,8% và đang tiềm ẩn những nguy cơ gia tăng.
Ohim chụp phổi của 1 bệnh nhân lao (Ảnh: Vnmedia) |
Nguyên nhân chính của tình trạng này do chúng ta chưa quản lý chặt chẽ các loại thuốc điều trị bệnh lao trôi nổi “vô tội vạ” trên thị trường và hệ quả là bệnh nhân lao (vốn vẫn còn sợ bị kỳ thị, có tâm lý không muốn thông báo cho cơ sở y tế) có thể mua thuốc và tự điều trị không theo phác đồ, không đúng nguyên tắc, dẫn đến bệnh “nhờn thuốc”, phát sinh chủng vi khuẩn kháng đa thuốc.
Nếu không được ngăn chặn, rất có thể ở Việt Nam sẽ xuất hiện chủng vi khuẩn lao kháng siêu thuốc cực kỳ nguy hiểm. Bên cạnh nguyên nhân nói trên, việc được phát hiện muộn (nhất là đối với những bệnh nhân lao vùng khó khăn) cũng khiến quá trình điều trị thất bại do lao kháng đa thuốc.
Để chương trình chống lao quốc gia có hiệu quả, sơ kết 6 tháng Chương trình chống lao quốc gia khu vực B2 (Tây Nguyên và Nam Bộ) tổ chức tại Đà Lạt ngày 23/8, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ đề nghị: Bộ Y tế cần nhanh chóng tư vấn cho Chính phủ khẩn trương có biện pháp quản lý chặt chẽ các loại thuốc chống lao trôi nổi trên thị trường như hiện nay.