Độc tố botulinum trong pate chay có thể xuất hiện khi chế biến, bảo quản thực phẩm không an toàn.
Đây là nhận định của tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong buổi tọa đàm trực tuyến về ngộ độc thực phẩm do botulinum tại Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến thuộc đơn vị này. Bác sĩ Nguyên cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc botulinum có trong các sản phẩm pate chay. Botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn.
Đây là độc tố do vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra, rất độc, có thể gây liệt nặng. Bản chất vi khuẩn Clostridium botulinum là protein, có thể bị hủy hoàn toàn độc tố khi đun sôi 100 độ C trong 10 phút.
Vi khuẩn này không phải là sinh vật hiếm. Nó tồn tại rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất, nước ngọt, nước biển... Thậm chí, các hạt bụi, ruột, nội tạng động vật đều có thể tìm thấy chúng.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyên nhận định pate chay có thành phần chính là nấm. Phần thân, cuống nấm chứa rất nhiều đất. Nếu trong quá trình chế biến, nấm không được rửa sạch, vi khuẩn này vẫn tồn tại, thậm chí phát triển và sinh độc tố.
Pate chay có thành phần chính là nấm.
Ngoài ra, pate chay cũng chứa nhiều đậu, lạc, những thực phẩm rất giàu protein. Trong khi đó, bản chất của vi khuẩn Clostridium botulinum là protein, vì vậy, chúng sẽ phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nguyên, môi trường trong pate được chế biến lại ẩm ướt, có sẵn mầm bệnh. Nếu không được xử lý đảm bảo với áp suất lớn, nhiệt độ cao, vi khuẩn càng có điều kiện sinh sôi, bào tử nở ra, sinh độc tố.
Nguyên nhân của loại ngộ độc này thường xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm ở dạng đóng gói kín trong chai, lọ, lon, hộp, túi, không bảo đảm an toàn, dẫn tới sản sinh độc tố botulinum.
Theo bác sĩ Nguyên, vi khuẩn Clostridium botulinum rất kỵ khí, tức là nó có thể phát triển trong môi trường thiếu không khí. Như vậy, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn này do quy trình sản xuất không bảo đảm vệ sinh, sau đó, lại được đóng gói kín, chúng sẽ phát triển và gây độc.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết một số yếu tố có thể khiến pate chay gây độc như thời gian bảo quản thực phẩm không đảm bảo, thực phẩm chế biến không đủ mặn, chua hay lạnh, không nấu chín trước ăn...