Nhà động vật học: Phim “The Lion King” mô tả hoàn toàn sai lầm vai trò sư tử đực trong thực tế

Bản remake của Disney không phải là một bộ phim tài liệu về tự nhiên. Lẽ ra bộ phim này nên được đặt là "The Lion Queen", bởi trong đàn sư tử, con cái mới giữ vai trò thống trị.

"The Lion King" bản live-action đang làm mưa làm gió tại các phòng vé trên toàn cầu, với những nhân vật quen thuộc của tất cả mọi người, từ chú lợn rừng hay đánh rắm, chú hươu cao cổ tốt bụng, chú voi nặng nề, và toàn bộ những loài động vật chân thực đến mức sững sờ khác. Khi xem cuộc hành trình của Simba và những người bạn đồng hành cố gắng tìm lại vị thế xứng đáng của họ trong vương quốc động vật, bạn có lẽ sẽ nghĩ rằng "The Lion King" là một bộ phim miêu tả chính xác những điều thường diễn ra trên đồng cỏ châu Phi.


Một hình ảnh trong bộ phim "The Lion King".

Nhưng hãy nhớ rằng đây không phải là một bộ phim tài liệu về tự nhiên. Những con sư tử đực thực sự không phải là kẻ thống trị. Và chúng chắc chắn chẳng thèm tìm về nhà một khi đã cất bước rời khỏi đàn sư tử của mình. Disney đã sáng tạo rất nhiều khi diễn tả hành vi và những tương tác trong gia đình của loài sư tử - đó chính là nhận định của các nhà động vật học và các nhà nghiên cứu sư tử.

Nếu "The Lion King" được làm theo đúng đời sống của loài sư tử, cuộc cạnh tranh giữa cha của Simba, Mufasa, và chú của cậu, Scar, sẽ không bao giờ tồn tại, và bản thân chú sư tử con sẽ không bao giờ bị buộc phải rời khỏi đàn khi còn ở độ tuổi nhỏ đến vậy.

Trên thực tế, Mufasa có lẽ còn chẳng trị vì được bất kỳ ai.

"Luôn là con cái dẫn dắt đàn sư tử" – Craig Saffoe, nhà nghiên cứu sư tử tại Vườn thú quốc gia Smithsonian ở Washington cho biết. Mẹ của Simba, Sarabi, mới đúng là lãnh đạo của đàn sư tử. Và bộ phim sẽ chính xác hơn nếu được đặt tên là… "The Lion Queen" (Nữ hoàng sư tử), National Geographic kết luận.

"Dù những con sư tử đực trông lớn hơn và dữ dằn hơn nhiều, nhưng sư tử cái lại chiếm ưu thế hơn" – Saffoe nói. Chúng mới là những con sư tử đưa ra những quyết định quan trọng. Chúng chỉ đạo phần lớn các cuộc đi săn và nuôi dưỡng con non. Chúng còn phải bảo vệ lãnh thổ của mình trước những con cái xâm lăng khác, và quyết định khi nào thì cho phép những con đực mới gia nhập đàn.


Dù những con sư tử đực trông lớn hơn và dữ dằn hơn nhiều, nhưng sư tử cái lại chiếm ưu thế hơn.

Trong một đàn sư tử châu Phi điển hình, có từ 3 đến 6 con cái trưởng thành. Hầu hết những con non giống cái được chọn ở lại với đàn của mẹ chúng cho tới khi chết, do đó trong đàn thường có nhiều thế hệ những con sư tử cái có mối quan hệ dòng giống với nhau, khiến xã hội sư tử trở nên khá mẫu hệ.

2 hoặc 3 con đực trưởng thành sẽ sống với những con cái. Chúng thường là anh em hoặc bạn bè trong đàn, đã cùng nhau lập nên một liên minh nhằm bảo vệ các con cái. Nhưng chúng chỉ sống vài năm với đàn mà thôi – đủ lâu để tạo ra những con non – sau đó sẽ rời đàn và tìm một đàn mới.

Vậy nên nếu Disney theo sát đời thực, Scar và Mufasa sẽ cùng chung sống với nhau rất vui vẻ trong đàn của mình. "Khả năng chúng tỏ ra thù địch với nhau là rất thấp" – Saffoe nói – "Có thể Mufasa có ưu thế hơn trong liên minh, nhưng cả hai con đực này sẽ phải nghe lời một trong các con cái".

Tuy nhiên, có một khía cạnh trong gia đình sư tử mà Disney đã thể hiện chính xác, đó là ảnh hưởng mà Mufasa đã thể hiện đối với con trai mình.

Khi những con đực trưởng thành trở về từ phiên đi tuần xung quanh lãnh địa của đàn, chúng thích làm quen với những con non qua các hành động như liếm, cạ đầu và rên rỉ. "Nó dễ thương đến kỳ quặc" – Saffoe nói.

Trong một đàn, mỗi con sư tử cái sẽ có từ 2 đến 4 con non, tất cả trong số đó đều được cha chúng để ý. Đôi lúc những con sư tử cái chi sinh được một đứa con, và trong trường hợp đó chúng ta sẽ có một mối quan hệ như giữa Simba và Mufasa.

Nhưng ngay cả khi có nhiều con non xung quanh, những con sư tử đực vẫn đối xử với chúng dịu dàng như nhau. Đó là bởi khi những con sư tử cái rụng trứng, số trứng đó có thể được thụ thai bởi cùng một con đực, hoặc bởi nhiều con đực khác nhau. "Những con sư tử cha không thể biết con non nào là của chúng, nên chúng đơn giản là quyết định đối xử tốt với tất cả…" – Craig Packer, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sư tử tại Đại học Minnesota cho biết.

Đối với những con đực non, ảnh hưởng của cha mẹ kéo dài cho đến khi chúng được khoảng 2 tuổi. Sau đó chúng bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, và lượng testosterone tăng đột biến sẽ gây ra một mối đe dọa đến những con trưởng thành.

Nếu Mufasa sống đến khi Simba 2 tuổi, nó sẽ cùng con mình ra khỏi đàn. Sau đó Simba sẽ chạy khắp vùng đồng cỏ châu Phi trong khoảng 1 đến 2 năm cho đến khi gia nhập một đàn mới vào khoảng 5 tuổi.


Nơi sinh sống của loài sư tử đang trở nên phân mảnh hơn bao giờ hết.

Tại Kaza, một mạng lưới khổng lồ gồm các công viên trải dọc khắp 5 quốc gia châu Phi, các nhà nghiên cứu hiếm khi thấy những con sư tử đực trở về với đàn của mẹ chúng một khi đã rời đi. Do đó, không cần biết tại sao Simba lại rời đi, hay mặc kệ những thuyết âm mưu rằng Simba và Nala có họ hàng với nhau là đúng, cậu chàng cũng sẽ chẳng quay trở về đàn cùng tình yêu thời thơ ấu của mình đâu.

"Sự rời đàn của những con đực là một cơ chế tiến hóa nhằm đảm bảo tính đa dạng gene trong loài sư tử" – Tiến sỹ Kim Young-Overton, giám đốc Kaza của Panthera, một tổ chức bảo tồn mèo hoang toàn cầu, cho biết.

Trong thế giới hoang dã, những con đực có thể dễ dàng đi xa đến 100 dặm khỏi đàn của mẹ chúng để tìm nhà mới. Nếu thức ăn và nước quá khan hiếm, chúng có thể tìm xa hơn nữa – Young-Overton nói.

Tuy nhiên, nơi sinh sống của loài sư tử đang trở nên phân mảnh hơn bao giờ hết. Lãnh thổ của chúng hiện chỉ còn 8% so với trước đây, vốn từng chiếm hầu như toàn bộ lục địa châu Phi. Nơi những con sư tử từng sống đã trở thành nơi loài người phát triển nông nghiệp và khai khoáng. Và ở một số khu vực, gia súc đã bắt đầu trở thành con mồi của loài sư tử thay cho những con mồi trong tự nhiên, dẫn đến xung đột giữa loài người và loài sư tử. Loài sư tử dần bị giết để trả thù cho việc chúng ăn mất những con vật nuôi giá trị. Nạn săn bắn cũng khiến dân số của loài này giảm hơn nữa.

Hiện chỉ còn dưới 20.000 con sư tử ở châu Phi, và chúng được liệt vào danh sách đe dọa tuyệt chủng bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Sư tử hiện đã tuyệt chủng, hoặc có khả năng tuyệt chủng, ở 29 quốc gia châu Phi.

"Loài sư tử đã giảm gần 50% kể từ bộ phim trước đây", tức bộ phim Lion King bản hoạt hình ra mắt năm 1994 – theo lời Tiến sỹ Paul Funston, giám đốc của chương trình sư tử của Panthera.

Funston và các nhà nghiên cứu khác đang kỳ vọng rằng bộ phim "The Lion King" mới lần này sẽ giúp khơi dậy sự thích thú và lòng trắc ẩn của loài người đối với loài sư tử, dù cho nó không thực sự miêu tả đúng xã hội của loài vật này.

"Disney thực sự đã cho thấy những con sư tử đẹp đến nhường nào" – Young-Overton nói. "Giống như bạn đang đứng ngay đó, trên thảo nguyên châu Phi, ngắm nhìn chúng di chuyển vậy. Và mọi người càng hiểu hơn về loài sư tử và môi trường sống của chúng, tôi càng hi vọng chúng ta sẽ sẵn sàng bảo vệ chúng".

Cập nhật: 26/07/2019 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video