Nghiên cứu mới của khoa học Việt Nam đã tìm ra hợp chất quý từ cây rau dền có thể gây độc cho tế bào ung thư.
Cây rau dền cơm có tên khoa học là A. lividus L. (A. viridis L.), vốn được biết đến với nhiều tác dụng như thanh nhiệt, lợi tiểu, điều trị ong đốt, mụn nhọt. Ở các nước Ấn Độ, Philippines, rau dền cơm được dùng điều trị tiểu đường, thiếu máu. Các nghiên cứu về sinh học, dược lý hiện đại đã chỉ ra dền cơm có tác dụng chống ung thư, chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Trong rau dền cơm có hợp chất quý chống lại tế bào ung thư. (Ảnh: H.M).
Để làm rõ các thành phần hóa học và hoạt tính sinh học, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thuốc, Viện Hóa sinh biển, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu và phân lập các hợp chất tự nhiên có trong cây rau dền cơm ở Việt Nam.
Trong hai năm nghiên cứu, từ mẫu rau dền cơm thu được ngoài tự nhiên, các nhà khoa học đã xác định thành phần acid béo gồm acid béo no, acid béo không no cũng như phân lập các hợp chất.
Trong số bảy hợp chất đã được phân lập, nhóm nghiên cứu phát hiện hợp chất 3,4-seco-olean-12-en-4-ol-3,28-dioic acid (AVE7) hiếm gặp. Hợp chất AVE7 thể hiện hoạt tính gây độc tế bào trên bốn dòng tế bào ung thư KB, HepG2, SK-LU-1 và MCF7 với IC50 từ 32.03 đến 43.45 μg/ml.
TS Lê Nguyễn Thành, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nhóm mới dùng hoạt chất tách chiết từ rau dền gây độc lên tế bào ung thư. Để kiểm nghiệm thực tế cũng như xác định được cơ chế gây độc sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu. Đặc biệt, để tách chiết các hoạt chất sạch có tính năng gây độc lên tế bào ung thư với lượng lớn là khó khăn do lá rau dền nhiều diệp lục và các chất.
Mặc dù vậy giới chuyên môn đánh giá kết quả nghiên cứu này góp phần bổ sung dữ liệu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học của cây dền cơm ở Việt Nam. Từ đây Việt Nam có thể định hướng cho các nghiên cứu sâu hơn về hoạt tính sinh học của rau dền cơm - loại rau xanh rất nhiều ngoài tự nhiên.