Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Nhà máy xay bột gỗ làm giấy Verla của Phần Lan là Di sản văn hóa thế giới năm 1996.
Verla là một làng thuộc thị xã Jaala, phía đông nam Phần Lan, cách Helsinki khoảng 160 km. Tại đây có một nhà máy xay gỗ để làm giấy. Nhà máy này được xây dựng từ thế kỷ thứ 19 và đến nay vẫn được bảo quản trong tình trạng nguyên vẹn.
Hiện nay, nhà máy xay bột gỗ làm giấy Verla đã ngừng hoạt động, chính phủ Phần Lan đã ra quyết định chỉnh trang nơi này thành bảo tàng để phục vụ khách du lịch. Hầu hết các máy móc, công cụ sản xuất trước kia đều được sửa chữa để trở thành hiện vật của bảo tàng.
Theo tài liệu lịch sử thì nhà máy xay bột gỗ làm giấy được thành lập năm 1872. Người thành lập nhà máy này là doanh nhân Hugo Neuman. Lý do doanh nhân Hugo Neuman cho xây dựng và thành lập một nhà máy gỗ ở đây là bởi khu vực này thiếu gỗ nghiêm trọng. Đa số gỗ được khai thác tại khu vực và các vùng lân cận đều được bán cho Nga. Nhà máy được dựng lên hoàn toàn bằng gỗ khai thác được tại địa phương. Kiến trúc tuy đơn giản nhưng rất ấn tượng bởi vẻ đẹp mộc mạc từ gỗ tạo nên. Kể từ khi được thành lập, nhà máy hoạt động rất tốt tuy nhiên không may là đến năm 1876, một trận hỏa hoạn đã thiêu cháy phần lớn nhà máy. Hugo Neuman không có đủ tiền để xây dựng lại nơi này vì vậy nhà máy ngừng hoạt động và bị bỏ hoang.
Đến năm 1882, hai doanh nhân người Áo là Gottlieb Kreidl và Louis Haenel thành lập một nhà máy xay bột gỗ và làm giấy mới, lớn hơn tại làng Verla. Một trong các cổ đông lớn nhất của nhà máy là Lãnh sự Đan Mạch – ông Wilhemlm Dippell. Ngài lãnh sự cũng là một doanh nhân vô cùng giàu có, thành đạt quê ở vùng Viborg.
Năm 1892, nhà máy lại bị cháy một lần nữa. Sau vụ cháy này người ta cho xây lại nhà máy nhưng không sử dụng nguyên liệu gỗ nữa mà thay thế bằng gạch đỏ. Kiến trúc sư Eduard Dippel – em trai của Wilhelm Dippell là người chịu trách nhiệm thiết kế công trình này. Mặc dù là một nhà máy sản xuất nhưng kiến trúc của Nhà máy xay bột gỗ làm giấy Verla được thiết kế như một nhà thờ. Kiến trúc sư Eduard Dippel đã thiết kế nhà mày toàn một màu đỏ với một ngọn tháp cao vút.
Năm 1906, sau khi ngày lãnh sự Wilhelm Dippell qua đời. Nhà máy xay bột gỗ làm giấy Verla trờ thành một công ty cổ phần có tên là A.B. Verla Träsliperi och Pappfabrik. Việc sản xuất của nhà máy vẫn hoạt động thường xuyên và đều đặn không ảnh hưởng gì từ việc đổi tên.
Năm 1922, cổ đông chính của nhà máy này là hãng UPM-Kymmene Corporation. Trong suốt quá trình chuyển giao các nhà máy vẫn hoạt động sản xuất và đạt sản lượng như khi mới được thành lập. Nhưng bắt đầu từ năm 1922, hoạt động sản xuất của nhà máy có phần giảm sút do sự phát triển của các nhà máy tiên tiến khác. Các cổ đông của nhà máy đã ra quyết định thành lập một nhà máy thủy điện để nâng cao hoạt động sản xuất của nhà máy những mãi hơn 20 năm sau đó, năm 1954, nhà máy thủy điện mới được khánh thành.
Mười năm kể từ khi nhà máy thủy điện khánh thành, tháng 6 năm 1964, các nhà máy xay bột gỗ làm giấy chính thức dừng hoạt động. Các công nhân được cho nghỉ hưu sớm, hầu hết họ rời khỏi nhà máy và di cư đi nơi khác sinh sống. Ngày 18.6.1964 trước khi chính thức ngừng hoạt động, dây chuyền sản xuất cũng như các hoạt động thường nhật tại nhà máy đã được quay lại để làm phim tài liệu về quy trình sản xuất giấy tại Verla. Mặc dù các hoạt động sản xuất của nhà máy giấy đã ngừng hẳn nhưng đến nay nhà máy thủy điện vẫn tiếp tục cung cấp điện cho khu vực.
Nhà máy xay gỗ làm giấy Verla được Unesco công nhận theo tiêu chí (iv): Nhà máy là ví dụ nổi bật về một quy trình sản xuất nông nghiệp quy mô vừa tại Châu Âu trong thế kỷ 19. Cùng với hoạt động sản xuất, quanh khu vực còn phát triển nhà ở cho công nhân, điều này cho thấy sự gắn kết giữa con người với lao động sản xuất.