Theo bác sĩ Đỗ Triều Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, đa phần người Việt Nam chưa chú trọng tầm soát ung thư định kỳ nên phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, tỷ lệ tử vong cao. Hàng năm Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tức 315 người tử vong mỗi ngày. Số trường hợp mắc mới cũng tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010, dự kiến vượt qua con số 190.000 vào năm 2020.
Để đẩy lùi ung thư và giảm tỷ lệ tử vong, bác sĩ Hưng cho rằng bên cạnh việc rèn luyện lối sống lành mạnh, cần hướng dẫn cộng đồng và cả nhân viên y tế cách nhận biết những dấu hiệu bất thường của cơ thể là dấu chỉ sớm của ung thư.
Đặc điểm chung của ung thư là những bất thường kéo dài trong cơ thể. Chẳng hạn, táo bón hay tiêu chảy vài tuần, có máu theo phân, thường là dấu hiệu ung thư đại trực tràng. Triệu chứng tiểu khó, buốt hay kèm theo ra máu, cảnh báo bạn bị ung thư bàng quang. Vết loét không lành ở mặt, da, núm vú, bộ phận sinh dục, hậu môn, kết mạc mắt hoặc thay đổi tính chất nốt ruồi có thể là chỉ dấu ung thư da. Xuất huyết âm đạo bất thường sau giao hợp cảnh báo ung thư cổ tử cung. Khối u ở vú và hạch nách là dấu hiệu ung thư vú. Nếu bạn có khối u ở bụng, ăn không tiêu, đầy bụng, cần kiểm tra bởi đây là triệu chứng ung thư dạ dày. Tình trạng nuốt nghẹn tăng dần thường gặp ở bệnh nhân ung thư thực quản. Khi nuốt khó, vướng, đau, có thể là ung thư hạ hầu. Khàn tiếng kéo dài báo hiệu ung thư thanh quản. Đau ngực, ho dai dẳng, ho ra máu cảnh báo ung thư phổi.
Bác sĩ khuyến cáo người thuộc nhóm nguy cơ cao nên chú trọng tầm soát định kỳ. (Ảnh minh họa: Wikihow).
"Phát hiện sớm ung thư" là một thuật ngữ chuyên ngành dành cho cộng đồng, tuy dễ hiểu nhưng không đơn giản khi áp dụng. Theo bác sĩ Hưng, để nâng cao hiệu quả phát hiện sớm ung thư cần phải thực hiện song song hai việc là giáo dục để chẩn đoán sớm và tầm soát.
Tầm soát là sử dụng những kiểm tra hay xét nghiệm đơn giản trên người khỏe mạnh nhằm phát hiện bệnh lý khi chưa có biểu hiện ra bên ngoài. Bác sĩ khuyến cáo người thuộc nhóm nguy cơ cao nên chú trọng tầm soát định kỳ. Ví dụ phụ nữ từ tuổi trung niên nên siêu âm vú hay chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú, phết mỏng cổ tử cung (pap’s mear) để tầm soát ung thư cổ tử cung. Phụ nữ và đàn ông lớn tuổi nên nội soi đại tràng để tầm soát ung thư đại trực tràng...
Gần đây có thêm một số xét nghiệm định lượng các chỉ dấu ung thư như định lượng PSA, free PSA để tầm soát ung thư tiền liệt tuyến ở đàn ông trên 45 tuổi. Định lượng CA15-3 giúp tầm soát ung thư vú, CA125 phát hiện ung thư buồng trứng, CA19-9 kiểm tra ung thư dạ dày, CA72-4 ung thư tụy, NSE và Cypra-21 tìm ung thư phổi…
Thông thường ung thư di căn rất khó trị, tỷ lệ tử vong cao và tốn kém nhiều. Nếu được phát hiện sớm, ở giai đoạn chưa di căn, nhiều loại bệnh ung thư có thể điều trị tốt và ít tốn kém. Với những tiến bộ y học ngày nay, khả năng chữa khỏi một số loại ung thư đã trở thành hiện thực.
Để xác định khả năng sống của một bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường dùng chỉ số "tỷ lệ sống thêm 5 năm". Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, thời lượng sống thêm trên 5 năm đã đủ đánh giá mức độ thành công gần như 100% của một phác đồ điều trị ung thư.