Ung thư bàng quang rất nguy hiểm nhưng không phải chị em nào cũng chú ý, họ thường lưu tâm đến bệnh ung thư buồng trứng và ung thư vú hơn.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết bàng quang là cơ quan rỗng nằm tại vùng bụng dưới, chức năng chứa nước tiểu do thận thải ra. Ung thư bàng quang xảy ra ở lớp niêm mạc lót trong lòng bàng quang.
Nguyên nhân gây ung thư bàng quang hiện chưa được xác định rõ. Tuy nhiên bệnh có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá, phơi nhiễm tia bức xạ, nhiễm ký sinh trùng, tiếp xúc với hóa chất...
"Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tế bào ung thư sẽ xâm lấn đến lớp cơ bàng quang, di căn xa ra ngoài bàng quang, khó khăn cho việc điều trị tận gốc", bác sĩ Đức nói.
Loại ung thư này có các dấu hiệu sau đây, chị em nên biết để có biện pháp can thiệp kịp thời.
1. Có máu trong nước tiểu
Sự xuất hiện của máu hoặc cục máu đông trong ước tiểu là một triệu chứng của ung thư bàng quang. Hiện tượng này thường không gây đau đớn.
2. Đi tiểu bị đau buốt
Đây cũng là một triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư bàng quang. Đau khi đi tiểu, còn gọi là khó niệu, đặc trưng là những cơn đau dữ dội khi đi tiểu tiện.
3. Tiểu nhiều lần không hết, tiểu rắt
Nếu bạn cảm thấy đi tiểu khó, tiểu rắt thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay. Cảm giác tiểu không hết, bị rắt luôn là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư nguy hiểm này.
4. Đau lưng
Nếu bạn cảm thấy hay bị đau lưng, phần gần hông, cũng nên cảnh giác vì có thể đó là dấu hiệu bệnh nguy hiểm, có liên quan tới ung thư.
5. Phù chân
Phù chân có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng nếu sưng tấy kéo dài thì bạn phải lưu ý. Đây là một trong những dấu hiệu sớm của ung thư bàng quang.
6. Giảm cân không rõ nguyên nhân
Triệu chứng này xảy ra khi các tế bào ung thư bàng quang bắt đầu lan rộng sang các phần khác. Giảm cân liên tục càng nguy hiểm hơn nhiều.
7. Đau xương
Bạn bị đau xương hoặc đau ở vùng hậu môn, vùng chậu thì không nên trì hoãn đi khám bác sĩ. Hãy đến kiểm tra để biết được dấu hiệu bệnh càng sớm càng tốt.8. Thiếu máuBạn có nguy cơ thiếu máu cao, nó xảy ra do chảy máu quá nhiều vì mất máu hoặc cũng có thể là dấu hiệu của ung thư bàng quang. Đôi khi các triệu chứng của ung thư bàng quang có thể giống với các tình trạng khác cũng liên quan tới bàng quang. Do đó, bạn phải đi khám để biết được tình trạng bệnh của mình và đừng quá lo lắng.
Theo bác sĩ Đức, điều trị ung thư bàng quang tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Ở giai đoạn sớm, phương pháp điều trị chủ yếu là cắt trọn u bàng quang qua nội soi niệu đạo. Tuy nhiên, tùy mức độ ác tính của tế bào ung thư, u có thể tái phát trong 30-50% trường hợp sau phẫu thuật nội soi cắt u. Do đó, người bệnh phải tuân thủ tái khám nghiêm ngặt để phát hiện sớm u tái phát.
Ở giai đoạn u xâm lấn vào lớp cơ bàng quang, cách điều trị hiệu quả duy nhất là phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang. Sau khi cắt bàng quang, bác sĩ sẽ dùng một đoạn ruột non để tái tạo bàng quang mới, giúp người bệnh tự đi tiểu qua đường tự nhiên như trước khi mổ.
Bác sĩ khuyến cáo nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư bàng quang, đi khám chuyên khoa tiết niệu nếu có dấu hiệu đi tiểu ra máu.