Nhận diện rượu thường với rượu pha cồn công nghiệp methanol độc hại

Nếu chỉ nếm và nhìn thì rất khó để phân biệt được rượu thường hay rượu chứa cồn công nghiệp methanol, theo các chuyên gia y tế.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng không thể phân biệt được rượu ethanol và rượu methanol nếu chỉ dựa vào cảm quan thông thường. Vì thế, người dân cần cảnh giác với những loại rượu không nhãn mác, giá siêu rẻ, thậm chí giá chỉ vài nghìn đồng mỗi lít vì đó rất có thể là rượu pha cồn công nghiệp methanol.

Chung quan điểm này, bà Nguyễn Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa methanol hay không. Nhìn chung, rượu chứa methanol có vị hơi ngọt.


Sau bữa liên hoan ngày 8/3, có 9 sinh viên nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng vì ngộ độc rượu methanol. (Ảnh: T.A).

Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp. Về cảm quan bên ngoài, chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... Ngoài ra khi ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Một cách thử khác nhiều người áp dụng là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.

Rượu pha cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu nó có tác dụng tương tự như rượu thông thường. Khi vào cơ thể, chất cồn này được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả cơ quan cơ thể, đặc biệt là mắt, não... Phải mất 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê...; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Vì thế, bác sĩ khuyên người dân tốt nhất không nên uống rượu bia; nếu uống thì chọn loại có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Trường hợp người uống rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không rõ, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, đau bụng, co giật... cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ngộ độc rượu gồm 2 dạng. Phổ biến nhất là ngộ độc rượu thực phẩm - ethanol. Nguy hiểm hơn rất nhiều là ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol. Số vụ ngộ độc methanol có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Không được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, các bệnh nhân thường lâm tình trạng tổn thương nặng, dễ tử vong.

Từ cuối tháng 2 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 24 ca nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu công nghiệp methanol; 2 người tử vong, nhiều người đang cấp cứu trong tình trạng nặng. Các bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, nôn, đau đầu, nhìn mờ; xét nghiệm lượng methanol trong máu rất cao. Họ đều mua rượu trắng ở cửa hàng tạp hóa không có nhãn mác, hoặc uống tại quán ăn... mà không biết chúng được pha cồn công nghiệp.

Cập nhật: 13/03/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video