Sau khi bệnh nhân mắc hội chứng sốt cao giảm tiểu cầu (SFTS) tử vong, bác sỹ phụ trách chăm sóc cho bệnh nhân này cũng có các triệu chứng tương tự và được chẩn đoán mắc bệnh SFTS.
Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) thông báo xác nhận trường hợp đầu tiên ở Nhật Bản lây nhiễm từ người sang người hội chứng sốt cao giảm tiểu cầu (SFTS).
Sốt giảm tiểu cầu là một bệnh truyền nhiễm do bọ ve mang virus SFTS đốt. (Nguồn: LabMedica).
Ca mắc hội chứng sốt cao giảm tiểu cầu này truyền từ bệnh nhân sang bác sỹ điều trị.
Theo NIID, bác sỹ, là nam giới trong độ tuổi 20, phụ trách chăm sóc cho một bệnh nhân ở độ tuổi 90 được chẩn đoán mắc bệnh SFTS sau khi đến phòng cấp cứu vào tháng 4/2023 do sức khỏe suy giảm.
Sau khi bệnh nhân tử vong, bác sỹ này đã tiến hành nhiều thủ tục khác nhau như rút ống thông sau khi khám nghiệm tử thi.
Trong quá trình thao tác, bác sỹ đeo khẩu trang và găng tay nhưng không đeo kính bảo hộ.
Khoảng 9 ngày sau khi bệnh nhân qua đời, bác sỹ xuất hiện các triệu chứng sốt và đau đầu và được chẩn đoán mắc bệnh SFTS.
Phân tích di truyền các chủng virus của cả bác sỹ và bệnh nhân cho thấy các trình tự giống hệt nhau, xác nhận sự lây truyền từ người sang người.
Mặc dù các trường hợp lây truyền SFTS từ người sang người trước đây đã được ghi nhận ở Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng đây là trường hợp đầu tiên ở Nhật Bản.
Sau khi xác nhận trường hợp lây nhiễm từ người sang người đầu tiên tại Nhật Bản, NIID đã khuyến nghị các nhân viên y tế tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng kỹ lưỡng, bao gồm cả việc sử dụng tấm che mặt để bảo vệ khỏi nguy cơ bị tiếp xúc dịch tiết từ bệnh nhân.
Sốt giảm tiểu cầu là một bệnh truyền nhiễm do bọ ve mang virus SFTS đốt. Nguy cơ bị bọ đốt ở mức cao trong nhóm những người canh tác trên núi. Sau 6~14 ngày bị bọ ve mang virus đốt, người bệnh sẽ có các triệu chứng như nôn, sốt cao... Ở thể nặng, bệnh có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. |