Reuters ngày 3/9 đưa tin Tokyo sẽ chi gần 50 tỉ yen (hơn 400 triệu USD) cho các biện pháp khẩn cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng rò rỉ nước nhiễm xạ ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi.
>>> Cận cảnh cuộc khủng hoảng nước nhiễm xạ ở Fukushima
"Thế giới đang theo dõi xem liệu chúng ta có thể giải quyết các vấn đề nước nhiễm xạ hay không" - thủ tướng Shinzo Abe nói trước khi nội các thông qua kế hoạch.
Phần lớn nguồn tài chính sẽ lấy từ dự trữ ngân sách của năm 2013, theo Kyodo News. Khoảng 32 tỉ yen sẽ được chi vào việc xây dựng bức tường ngầm ngăn chặn nước nhiễm xạ rò rỉ từ nhà máy Fukushima thấm xuống đất và hòa vào nguồn nước ngầm. Ngoài ra, 15 tỉ yen sẽ chi cho các hệ thống xử lý để hạ mức độ nhiễm xạ của lượng nước trữ tại Fukushima.
Các bồn chứa nước nhiễm xạ ở nhà máy Fukushima - (Ảnh: Reuters)
Lãnh đạo cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản Shunichi Tanaka ngày 2/9 cho biết nhiều bồn chứa và ống dẫn nước nhiễm xạ ở Fukushima có thể cũng đang bị rò rỉ. “Chúng tôi đang chuyển nước nhiễm xạ sang các bồn chứa khác” - CNN dẫn lời ông Tanaka.
Trong diễn biến khác, Tokyo ngày 3/9 cũng đóng cửa một trong hai lò phản ứng hạt nhân còn lại của nước này. Lò phản ứng cuối cùng sẽ ngừng hoạt động trong tháng này.
Công ty điện lực Kansai cho hay họ bắt đầu giảm công suất điện của đơn vị số 3, nhà máy thuộc tỉnh Fukui chiều 2/9 và dừng hẳn hoạt động bộ phận này ngày 3/9 để phục vụ cho việc thanh tra. Đơn vị số 4 dự kiến sẽ bị đóng vào 15/9. Cả hai lò trên được khởi động trở lại hồi 7/2012, bất chấp sự phản đối dữ dội của người dân, và là hai lò duy nhất được mở lại sau thảm họa sóng động đất, sóng thần 2011.
Theo Điện lực Kansai, chưa rõ các lò phản ứng này có được phép hoạt động trở lại hay không bởi chúng được kiểm tra theo các tiêu chuẩn mới do cơ quan quản lý hạt nhân mới đề ra.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân sau thảm họa 2011 đã buộc Nhật Bản quay trở lại với nguồn năng lượng hóa thạch đắt đỏ để bù đắp thiếu hụt năng lượng. Trước đó, các nhà máy hạt nhân đáp ứng 1/3 nhu cầu điện của Nhật Bản.