Trong quá khứ, khi chưa có đủ hiểu biết về thiên văn học, con người từng sợ hãi mỗi lần Mặt Trời biến mất.
Ngày 26/12, người dân châu Á và Trung Đông đã chứng kiến nhật thực hình khuyên, còn được ví là "vòng tròn lửa". Đây là lần nhật thực cuối cùng của năm 2019, và tại rất nhiều quốc gia châu Á, có thể bắt gặp hình ảnh các em nhỏ háo hức nhìn lên trời bằng dụng cụ để xem nhật thực.
Mọi chuyện không đơn giản như vậy trong lịch sử. Dù Mặt Trời chỉ bị che mất vài phút mỗi lần nhật thực, nhân loại đã nhiều lần ghi lại sự hoảng loạn khi ánh sáng mặt trời đột nhiên biến mất.
Những truyền thuyết nghìn năm
Người Viking tin rằng hai con sói thần thoại Skoll và Hati luôn đuổi theo Mặt Trời và Mặt Trăng, thỉnh thoảng sẽ gặm lấy đối tượng. Người Maya thì minh họa hiện tượng nhật thực bằng hình ảnh con rắn nuốt lấy mặt trời, trong khi người Inca thì tin rằng nguyệt thực là hành động của một con báo.
Nhật thực khiến người cổ đại hoảng loạn, sợ hãi khi ánh sáng từ Mặt Trời bỗng nhiên biến mất.
Đến tận năm 1979, theo bài viết của Annie Dillard, nhiều người dân ở bang Washington vẫn còn sợ hãi hét lên khi nhìn thấy hiện tượng nhật thực diễn ra.
"Sau khi đọc về lịch sử những lần nhật thực, tôi nhận thấy dù là thời gian hay tri thức loài người hiện đại đến đâu, phản ứng của con người với nhật thực vẫn rất đa dạng. Họ có thể ngạc nhiên, cũng có thể sợ hãi", nhà lịch sử thiên văn học Steve Ruskin chia sẻ.
Một trong những hiện tượng nhật thực được ghi lại nhiều nhất thời cận đại là vào năm 1886 tại Australia.
"Người bản địa khi đó tin rằng nhật thực là do một bộ tộc sống trên Mặt Trăng, tức giận và ốm yếu, đã trút giận lên họ", ông Ruskin chia sẻ.
Những phản ứng của người xưa với nhật thực
Người Babylon có hiểu biết toán học và thiên văn học tốt đến nỗi tính toán được thời gian xảy ra nhật thực. Dù vậy, họ vẫn cho rằng đây là một điềm xấu, nên mỗi khi nhật thực xảy ra một người dân thường sẽ được ngồi lên ngôi vua để tránh những rủi ro xảy đến với nhà vua. Sau nhật thực, người dân đó sẽ được thưởng rồi bị giết để xua đuổi mọi đen đủi đến từ hiện tượng trên.
Ảnh chụp hiện tượng nhật thực năm 1851 của Johann Berkowski.
Năm 1133, nhật thực xảy ra trùng với cái chết của vua Henry I nước Anh. Sự trùng hợp này đã gây ra hỗn loạn và một cuộc nội chiến. Vào thế kỷ XV, khi đặt chân tới châu Mỹ, Christopher Columbus đã tận dụng một lần nhật thực để thuyết phục dân bản địa lúc đó ông được sự ủng hộ của chúa.
Nhật thực diễn ra vào năm 585 trước Công nguyên tại khu vực ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ lại tạo ra kết cục khác. Các binh lính người Medes và người Lydian đang giao chiến thì nhật thực diễn ra. Thủ lĩnh hai bên nghĩ rằng đây là dấu hiệu của chúa để hai bên giảng hòa, và lần nhật thực này đã dẫn tới 15 năm hòa bình.
Con người dần làm quen với nhật thực
"Sau cuộc cách mạng về khoa học ở thế kỷ XVI và XVII, con người mới bắt đầu giải thích được chuyển động của Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời. Điều đó giúp họ bớt đi nỗi sợ mỗi lần nhật thực diễn ra, ít nhất là ở châu Âu", ông Ruskin chia sẻ.
Hình vẽ giải thích về hiện tượng nhật thực năm 1631. (Nguồn: Thư viện Quốc hội Mỹ).
Những hiểu biết khoa học giúp cho chúng ta bình tĩnh và đón nhận nhật thực như một hiện tượng tự nhiên. Vào năm 1887, nhà hóa học Dmitry Mendeleev đã sử dụng khinh khí cầu để bay lên độ cao hơn 3km nhằm nhìn ngắm hiện tượng này.
Có lẽ ít người biết rằng hiện tượng này cũng có ảnh hưởng kỳ lạ tới những loài động vật.
"Con quạ gần tôi bỗng nhiên hoảng loạn, hét lên và bay loạn lên", nhà toán học John Couch Adams mô tả một lần nhật thực vào thế kỷ 19.
Đến thời hiện đại, vẫn còn nhiều lời đồn thổi về hiện tượng nhật thực như phụ nữ có thai không nên xem nhật thực. Dù gì thì nhật thực cũng là một hiện tượng hiếm gặp. Do vậy có lẽ những hiểu biết khoa học vẫn chưa thể hoàn toàn xóa đi những bản năng sợ hãi của con người sau hàng nghìn năm.