Những đợt hạn hán kéo dài trong thời gian qua đã khiến các nước Uganda, Trung Phi, Kenya rơi vào tình trạng khan hiếm nước ngọt trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt của người dân.
Theo đánh giá ban đầu, Uganda là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khoảng 35% dân số nước này không có nước ngọt sử dụng.
Hạn hán kéo dài đang khiến Uganda lâm vào tình trạng khan hiếm nước trầm trọng.
(Ảnh Demotix)
Cơ quan quản lý nước và môi trường Uganda cho biết tình hình khan hiếm nước sạch sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chính phủ không có biện pháp hỗ trợ kịp thời và đầu tư phát triển hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân.
Trước mắt, chính phủ Uganda đã dùng xe chở nước cung cấp cho các khu vực dân cư bị khô hạn.
Hạn hán kéo dài làm mực nước sông Nile chảy qua Uganda xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, khiến nhiều khu vực dân cư không đủ nước sử dụng. Theo báo cáo năm 2010 của Uganda, ngoài hạn hán, tình trạng bùng nổ dân số, tốc độ phát triển công nghiệp, quá trình đô thị hóa và gieo trồng nông nghiệp gia tăng, trong khi thói quen sinh hoạt lạc hậu làm nguồn cung cấp nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề, cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nước sạch ở Uganda.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có hơn 1,6 triệu người trên thế giới tử vong do không được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, 90% trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi và ở các quốc gia đang phát triển.
WHO cảnh báo đến năm 2025, số người không có nước sạch sinh hoạt sẽ tăng gấp 3 so với mức gần 1 tỷ người hiện nay.