Nhìn lại thành tựu đáng tự hào trong thời đại Hùng Vương

Thời đại của các vua Hùng được đánh giá là một thời kỳ văn minh, tiến triển trong hơn hai thiên niên kỷ, đã làm nên nhiều kỳ tích về công nghệ.

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm"


Ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 2021.

Hàng năm cứ đến ngày mồng 10/3 Âm lịch, người dân cả nước lại nô nức trẩy hội Đền Hùng, cùng nhau thắp hương để tưởng nhớ về công ơn dựng nước, giữ nước của 18 đời Vua Hùng.

Trong hơn 2000 năm dưới thời Hùng Vương, mặc dù trình độ kinh tế, văn hóa và tổ chức xã hội của dân tộc ta còn ở mức sơ khai, nhưng xuyên suốt lịch sử, quá trình phát triển đã tạo nên những thành tựu đáng tự hào, những truyền thống quý báu.

Đỉnh cao của công nghệ luyện đồng


Trống đồng Đông Sơn.

Thời đại Hùng Vương đã đạt tới đỉnh cao nhất của công nghệ luyện đồng. Trong đó, chế phẩm nổi tiếng nhất thời bấy giờ là trống đồng, chiêng đồng,… được coi là vượt trội hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Sử sách kể lại ngay cả lưu vực sông Dương Tử, nơi đúc đồng nổi tiếng ở Trung Quốc, lẫn khu vực Đông-Nam Á cùng thời cũng không thể sánh bằng trống đồng của nhà nước Văn Lang.

Theo lời kể của các nghệ nhân còn lưu truyền tới nay, nghệ thuật đúc đồng pha trộn các tỷ lệ hợp kim đồng thau tạo tiếng trống đồng âm lượng lớn và âm sắc đẹp, trong trẻo, vang xa.

Còn nghệ thuật trang trí trên trống đã đạt đến độ gần như tuyệt mỹ: vừa sắc sảo, tinh tế, lại trường tồn theo thời gian.

Một số tài liệu kể lại rằng thương lái Tây Vực (Tây Bắc Trung Quốc) thời ấy thậm chí phải lặn lội tìm đến, đổi 1 chiếc trống bằng 9 con trâu.

Cuộc di dân vĩ đại từ vùng núi xuống đồng bằng


Nhà ở của người Văn Lang được khắc thành hoa văn trên trống đồng.

Một thành tựu phi thường khác dưới thời Hùng Vương là công cuộc di dân từ miền núi, trung du đi khai phá, chiếm lĩnh vùng đồng bằng trù phú, giàu tài nguyên.

Xuyên suốt hàng nghìn năm mở mang bờ cõi, tạo lập đời sống thâm canh, cả một dải mênh mông phù sa lắng tụ thành sình lầy đã trở thành xóm làng đông đúc, và cả những vùng ven biển từ miền Bắc cho tới tận dãy Hoành Sơn.

Nhiều ngôi làng đã được hình thành, tạo nên bản sắc văn hóa cho tới tận ngày nay của người Việt. Nhiều ngôi làng đã tồn tại hàng ngàn năm, như ngôi làng phát hiện thấy ở Minh Tân (Vĩnh Phú) hoặc ở Cam Thượng Hà Tây.

Kiểu nhà sàn độc đáo, thích hợp với hoàn cảnh rừng rú và lầy lội của thiên nhiên nước ta cũng đã được hình thành dưới thời đại Hùng Vương, cho thấy những tiến bộ đáng kể về mặt kỹ thuật, đời sống.

In đậm dấu ấn nghề nông


Thời đại Văn Lang có sự phát triển mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước.

Cùng với việc chuyển tới sinh sống tại đồng bằng rộng lớn, thời đại Văn Lang bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp - thứ gắn bó với lịch sử phát triển của Việt Nam cho tới ngày hôm nay.

Theo cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục, cư dân Văn Lang đã biết trồng lúa nước, theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, gọi là ruộng Lạc; biết khắc chế thiên nhiên (truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh), sử dụng dụng cụ nông nghiệp (cày, cuốc, mai, thuổng) và dùng sức trâu bò thay sức người.

Với nguồn lương thực chính là thóc gạo (gạo nếp và gạo tẻ), dân Văn Lang đã biết lấy ống tre thổi cơm (cơm lam), làm bánh (sự tích bánh chưng, bánh giầy); ngoài ra còn có khoai, sắn, thực phẩm có các loại cá, gia súc, gia cầm, rau củ.

Tựu chung lại, người dân thời kỳ Văn Lang có cuộc sống vật chất và tinh thần khá phong phú. Trong đó, dấu vết hạt gạo đã tìm được, các vỏ trấu cũng còn vương lẫn trong đất làm khuôn đúc đồng.

Đặc biệt, thời này người dân đã biết làm mắm và nước mắm, biết lấy gạo làm rượu, men rượu được chế biến từ lá, vỏ, rễ một số loại cây, giống như rượu cần ngày nay.

Y phục thể hiện đặc thù văn hóa người Việt


Thói quen ăn mặc trong xã hội thời Hùng Vương đã mang tính văn hóa đặc thù của dân tộc Việt.

Y phục thời Hùng Vương đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như yếu tố chứng tỏ nền văn hiến của Việt Nam bắt đầu từ thời đại của các vua Hùng.

Dưới thời Hùng Vương, ông cha ta đã có những y phục dân tộc tương tự như y phục phổ biến của người Việt còn tồn tại ở các vùng thôn quê Việt Nam.

Ban đầu, người dân Văn Lang lấy vỏ cây làm áo mặc, phụ nữ mặc áo váy; nam giới cởi trần, đóng khố, biết dệt cỏ ống làm chiếu nằm. Sau đó, họ dần biết sáng chế dụng cụ xe sợi bằng đất nung - chính là tiền đề của việc dệt vải.

Một điều khá đặc biệt là cả nam lẫn nữ đều thích dùng đồ trang sức, nhiều phụ nữ có buộc thêm miếng đệm váy có trang trí ở trước bụng và sau mông.

Có thể thấy rằng y phục và thói quen ăn mặc trong xã hội thời Hùng Vương đã mang tính văn hóa đặc thù của dân tộc Việt - thứ còn trường tồn mãi tới tận ngày nay.

Văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng

Bên cạnh đời sống vật chất phát triển thời Hùng Vương cư dân Việt cổ có đời sống tinh thần cũng vô cùng phong phú. Điển hình trong đó là hình thành chế độ hôn nhân "một vợ một chồng", với hình thức gồm 2 bước: dạm và cưới.

Ngoài ra thời kỳ này còn có một số phong tục khác như tục ăn trầu cau với vôi được thể hiện trong chuyện "Sự tích trầu cau". Đến nay tục lệ người Việt ăn trầu vẫn còn được sử dụng đặc biệt trầu cau trong việc cưới, hỏi vẫn được duy trì.

Thời kỳ Hùng Vương, con người không chỉ biết chế tạo ra các đồ dùng mà con biết trang trí cho các sản phẩm của mình và đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật và mỹ thuật tạo dáng.

Mỹ thuật từ những đồ thường nhật hàng ngày như nồi, bình, bát bằng gốm, trên các công cụ bằng đồng cho đến trang trí trên các công trình xây dựng có kiểu dáng đẹp, lưu truyền cho tới ngày nay, và vô cùng đặc biệt nhờ mang tính gốc rễ, bản địa, không mang dấu vết lai tạp của một nền văn hóa nào.

Tín ngưỡng phổ biến của cư dân Văn Lang là sùng bái tự nhiên, thờ thần Mặt Trời (ngôi sao nhiều cánh ở giữa mặt trống đồng là tượng trưng cho thần Mặt Trời), thần Sông, thần Núi…

Người dân Văn Lang cũng có tín ngưỡng phồn thực thể hiện niềm tin của con người trong nguyện cầu được sinh sôi nảy nở, phát triển giống nòi, ước mong sản xuất phồn thịnh, mùa màng được bội thu, nhưng không thờ sinh thực khí.

Ngoài ra, người Việt cổ cũng có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng kính các vị anh hùng, người có công với làng nước (thờ Thánh Gióng, thần Tản Viên…), mà đỉnh cao là tục thờ cúng Hùng Vương.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 âm lịch là ngày lễ truyền thống của người Việt Nam được giữ gìn, kế thừa đến tận ngày nay.

Cập nhật: 21/04/2021 Theo Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video