Phát hiện hai mộ táng thời Hùng Vương

  •  
  • 794

Cuộc khai quật khu mộ táng Gò De nổi tiếng đã phát lộ 2 ngôi mộ cổ. Chúng góp phần tìm hiểu đời sống tâm linh của cư dân thời Hùng Vương cũng như thêm một lần khẳng định nơi đây là một trung tâm lớn đương thời của vùng đất tổ.

Đầu tháng 12/2006, Viện Khảo cổ học kết hợp với Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ khai quật khu mộ Gò De, xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây là một khu mộ táng lớn, từ những năm 70 của thế kỷ trước, đã tìm được nhiều đồ đồng quý giá. Năm 2003, ngôi mộ của một thủ lĩnh thời Hùng Vương có nhiều vũ khí như giáo, rìu đã được phát hiện.

Tìm được 2 mộ táng độc đáo

Ngôi mộ thứ nhất là mộ vò. Kích thước vò khá lớn với đường kính thân 55 cm, chiều cao 40 cm. Vò được làm bằng gốm thô, màu đen nhạt. Đáng chú ý là dưới đáy vò có 3 đồ tuỳ táng là 2 giáo đồng, 1 rìu đồng gót vuông. Đây là những của cải mà người sống đã chia cho người chết làm vốn để mang sang thế giới bên kia làm ăn.

Khuyên tai có mấu bằng đá ngọc.

Khuyên tai có mấu bằng đá ngọc. (Ảnh: Lao Động, VNE)

Trong vò không còn xương cốt, vì thế rất khó đoán định cách thức mai táng. Kích thước vò gốm thuộc loại lớn, nhưng cũng không đủ lớn để chôn nguyên xác như những ngôi mộ chum thuộc văn hoá Sa Huỳnh ở ven biển miền Trung nước ta đương thời. Cũng không thể là vò đựng tro hoả táng, vì trong vò không có dấu vết tro than. Phải chăng đây là một loại tiểu để đựng hài cốt sau khi cải táng? Thực ra, tục cải táng có ở ta chỉ ở những giai đoạn sau đó, trong thời Bắc thuộc, ảnh hưởng của văn hoá phương Bắc.

Chỉ có khả năng đây là những chiếc vò chôn trẻ con, có như vậy mới phù hợp với kích thước vò. Như vậy, người xưa đã có một quan niệm khá lạ so với những thời đại sau: Chia cả vũ khí (giáo, rìu chiến) cho trẻ con khi chết. Vì sao lại có quan niệm này thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp và cũng không chỉ ở Gò De mà còn ở một số khu mộ có vò chôn như vậy.

Ngôi mộ thứ hai là một ngôi mộ đất - nói theo ngôn ngữ của các nhà khảo cổ. Người chết được chôn nằm duỗi thẳng, ở chân đồi, đầu quay về hướng bắc. Hai tai được đeo hai chiếc khuyên tai đá ngọc. Khuyên có màu trắng được mài trau chuốt thuộc loại có 4 mấu và có khe hở để đeo vào tai. Đây là loại khuyên tai hiếm gặp. Ngay từ thời bấy giờ, khuyên đã bị gãy làm 3 mảnh, nhưng người xưa đã dùng khoan để khoan lỗ rồi lấy dây đồng buộc lại, chứng tỏ ý thức tiết kiệm của người Việt đã hằn sâu từ thời bấy giờ, cũng chứng tỏ nguyên liệu làm đá ngọc chắc phải hiếm lắm.

Ở phần ngực người chết được đặt một chiếc rìu đồng gót vuông. Dọc theo thân người đến chân còn có 1 rìu xoè cân, 1 rìu đồng gót vuông nữa, 1 bát, 1 nồi và 1 bình gốm. Đáng lưu ý là một cụm gồm 3 chiếc giáo, có chiếc trang trí hoa văn trên mặt lưỡi khá đẹp. Đây là một ngôi mộ người lớn, nếu như căn cứ vào độ dài của sự phân bố đồ tuỳ táng. Tuy vậy khó có thể đoán định được là đàn ông hay đàn bà, vì căn cứ vào tượng người trên các chuôi dao găm đồng đào được cùng thời thì cả nam và nữ đều có đeo khuyên tai và đều sử dụng thành thạo các loại vũ khí như giáo, rìu chiến.

Việc tìm thấy 2 mộ táng ở Gò De đã cho thấy cách mai táng người chết của người Việt cổ khá phong phú. Qua so sánh loại hình hiện vật - nhất là đồ gốm - có thể đoán định hai ngôi mộ này có niên đại cách đây khoảng 2.300 năm, phù hợp với thời Hùng Vương mà sử sách nói đến. Nơi đây cũng từng có địa danh Gia Ninh mà theo thư tịch và truyền thuyết thì Gia Ninh là nơi phát tích của các vua Hùng.

Cùng với di tích Làng Cả, di tích Gò De đã trở thành địa điểm khảo cổ quan trọng bậc nhất trong quá trình tìm về cội nguồn người Việt.

TS Trịnh Sinh

Theo Lao Động, Vnexpress
  • 794