Hội chứng kỳ lạ nhiều người mắc phải trong thời đại smartphone ngập tràn

  •  
  • 2.048

Trong thời đại công nghệ đã quá phát triển, có thể nói gần như ai cũng sở hữu cho mình một chiếc smartphone hoặc tablet thông minh - ít nhất là tại các vùng thành thị đông dân. Chúng ta sử dụng smartphone nhiều đến mức trở nên lệ thuộc, tay lúc nào cũng phải cầm điện thoại, dùng mọi lúc, mọi nơi. Để rồi, cảnh tượng dưới đây bỗng trở nên quen thuộc lúc nào không hay.

Điểm chung của đa số chúng ta khi sử dụng smartphone, đó là đều có tư thế cúi xuống nhìn màn hình. Chính tư thế này là nguyên nhân gây ra nhiều hội chứng khó chịu liên quan như "cổ nhắn tin" (text-neck, hội chứng ảnh hưởng đến cột sống), ngón cái nhắn tin (texting thumb - do động tác quẹt, lướt màn hình quá nhiều)... Nhưng chưa hết đâu, vào năm 2018 ĐH Sunshine Coast còn chỉ ra một hội chứng kỳ lạ khác trong hộp sọ, đang xảy ra với một bộ phận người trưởng thành hiện nay và có liên quan đến tư thế khi sử dụng smartphone.

Nó mang tên: Hội chứng... mọc sừng!

Mẩu xương mọc ở phía sau hộp sọ.
Mấu xương mọc ở phía sau hộp sọ.

Trên thực tế, việc hộp sọ mọc ra những mấu xương với cấu trúc lạ có xảy ra với những người đã qua độ tuổi trung niên. Nhưng theo nghiên cứu của ĐH Sunshine trên hơn 1.200 người trong độ tuổi 18 - 86, thì có đến 1/3 đang xuất hiện mấu xương ở phía sau hộp sọ, với tỷ lệ tăng dần với thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Các mấu xương này có kết cấu giống như những chiếc sừng, dù không phải sừng.
Các mấu xương này có kết cấu giống như những chiếc sừng, dù không phải sừng.

Đặc biệt theo nhiều trang tin, các mấu xương này có kết cấu giống như những chiếc sừng, dù không phải sừng. Theo Mark G. L. Sayers - đồng tác giả nghiên cứu, dường như việc này có liên quan đến tần suất sử dụng điện thoại, tablet và các phương tiện điện tử hiện đại khác trong thời gian dài. Tuy nhiên, Sayers cũng cho biết chúng ta vẫn chưa thể kết luận việc dùng điện thoại thực sự là nguyên nhân, mà cần thêm thời gian để khẳng định.

Dẫu vậy, thực tế hiện tại hiện tượng này đang dần xảy ra nhiều hơn với người trẻ - với tỷ lệ 40% trong nhóm 18 - 29 tuổi. Đây là một tỷ lệ tương đối gây shock cho các nhà khoa học, và phải có thứ gì đó chịu trách nhiệm cho sự thay đổi này.

Một trong các giả thuyết được đưa ra là vì tư thế! Khoa học đã chứng minh rằng việc sử dụng một tư thế xấu - như cúi gằm mặt xuống - trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc xương. Có lẽ một số người, tư thế ấy đã khiến cột sống cổ bị chịu áp lực quá lớn, dẫn đến việc cơ thể phải tăng thêm xương để hỗ trợ cho quá trình này.

Góc cúi khi sử dụng điện thoại di động có thể gây ra nhiều phiền toái.
Góc cúi khi sử dụng điện thoại di động có thể gây ra nhiều phiền toái.

Nguyên nhân lớn nhất khiến chúng ta có tư thế xấu thường là do tuổi tác - đó là lý do vì sao các mấu xương trước kia chỉ xuất hiện ở người già. Tuy nhiên, cần biết rằng các yếu tố như ngồi bàn giấy quá lâu, sử dụng giày cao gót, lạm dụng đồ công nghệ, thường xuyên mang túi quá nặng, và thiếu dinh dưỡng cũng là nguyên nhân đầy tiềm năng.

Và đáng buồn thay, các nguyên nhân "tiềm năng" trên gần như đều xuất hiện ở thế hệ trẻ ngày nay.

Nêu vậy không có nghĩa là một anh nhân viên văn phòng nên chuyển việc, hoặc chúng ta phải từ bỏ các thiết bị công nghệ đã quá tiện dụng. Điều bạn cần phải nhớ ở đây là cơ thể bạn sẽ phải chịu đựng nhiều hệ quả hơn so với những gì bạn có thể tưởng tượng. Vậy nên, biện pháp tốt nhất là tìm cách yêu thương cơ thể của mình hơn.

Cơ thể bạn sẽ phải chịu đựng nhiều hệ quả hơn so với những gì bạn có thể tưởng tượng.
Cơ thể bạn sẽ phải chịu đựng nhiều hệ quả hơn so với những gì bạn có thể tưởng tượng.

Yêu thương như thế nào? Đó là thay vì ngồi trước màn hình 8 tiếng, bạn nên dành thời gian để giải lao thư giãn, vận động giãn gân cốt trong lúc làm việc. Ngoài ra khi sử dụng điện thoại, hãy luôn ý thức cần phải giữ thẳng cổ, và nên nghỉ khoảng 5 phút cho mỗi tiếng nhìn màn hình.

Việc các mấu sừng kia có gây hại hay không, hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Nhưng phòng còn hơn chống, có đúng không?

Cập nhật: 21/11/2019 Theo helino
  • 2.048