Tình trạng cốt hóa xương, hay còn gọi tạo xương lạc chỗ thường xảy ra sau chấn thương, đặc biệt là chấn thương sọ não.
Tình trạng cốt hóa xương còn được gọi là tạo xương lạc chỗ. (Ảnh minh họa).
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng TP HCM cho biết tình trạng cốt hóa rất nghiêm trọng, bệnh nhân lại bị liệt do di chứng của tai biến nên nếu phẫu thuật cũng không thể cải thiện tốt. Chưa kể mổ cũng là một tác nhân gây chấn thương, có thể tiếp tục gây cốt hóa.
Theo bác sĩ Lý, tình trạng cốt hóa xương còn được gọi là tạo xương lạc chỗ. Các dây chằng bao khớp bình thường vốn mềm mại để giúp cử động. Trường hợp này chúng đã bị vôi hóa cứng như xương, khiến cho khớp cứng đơ. Hiện chưa biết rõ nguyên nhân, đa số gặp sau chấn thương, đặc biệt là chấn thương sọ não, chấn thương tại chỗ.
"Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được tập luyện ngay khi bị chấn thương. Tuy nhiên tình trạng này thường dễ bỏ sót vì khi chấn thương đa số đều tập trung ưu tiên lo cho tính mạng trước", bác sĩ Lý chia sẻ.
Tùy thuộc vào vị trí, tư thế cứng khớp mà nhiều người bị cốt hóa vẫn có thể đi đứng được, dù không thể như bình thường. Việc phẫu thuật nhằm giúp cải thiện chức năng của khớp. Do xương này cứng hơn bình thường, can thiệp có thể gây chảy máu nguy hiểm nên đòi hỏi bác sĩ mổ phải có kinh nghiệm, cơ sở vật chất tốt, bệnh nhân có nhu cầu.