Những điều cần biết về các biến thể của SARS-CoV-2

Virus có thể biến đổi khi chúng tạo ra các bản sao của chính mình sau khi lây nhiễm. Bằng cách sắp xếp trình tự các mẫu virus theo thời gian, các nhà khoa học có thể phát hiện những thay đổi trong bộ gene. Cho đến nay, trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu đã giải mã trình tự hơn 500.000 bộ gene của virus SARS-CoV-2.

Từ đó, có hàng nghìn biến thể đã được xác định. Hầu hết các đột biến là không có nhiều ý nghĩa, nhưng có một số đột biến có thể làm cho virus dễ lây lan hơn, gây chết người hoặc kháng vaccine và kháng thuốc điều trị. Các chuyên gia y tế chủ yếu lo ngại về ba biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil. Chúng dường như lây lan dễ dàng hơn và nghiên cứu đang được tiến hành để xem liệu chúng có gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hay không.


Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Bằng chứng cho thấy vaccine hiện tại vẫn hoạt động chống lại các biến thể,  nhưng một phiên bản đột biến xuất hiện ở biến thể của Nam Phi khiến vaccine hoạt động kém hiệu quả hơn.

Ngày 11-2, AstraZeneca cho biết có thể mất từ ​​sáu đến chín tháng để sản xuất vaccine Covid-19 có hiệu quả chống lại các biến thể mới của virus.

Sau đây là các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang được quan tâm nhất:

Biến thể Nam Phi - B.1.351

  • Xuất xứ: Biến thể này còn được gọi là 501Y.V2, được tìm thấy ở Nam Phi vào đầu tháng 10 và được công bố vào tháng 12-2020. Bộ trưởng Y tế Nam Phi cho biết, chủng này dường như ảnh hưởng đến thanh niên nhiều hơn so với các chủng trước đó. Biến thể này có thể đã góp phần vào việc gia tăng các ca nhiễm và nhập viện trên khắp Nam Phi.
  • Mức độ lây lan: Biến thể này đã được xác định ở hơn 20 quốc gia, trong đó có Canada, Australia và Israel. Vào ngày 28-1, Mỹ lần đầu tiên ghi nhận biến thể này ở hai người không có lịch sử du lịch Nam Phi.

Ngày 31-1, Việt Nam cũng xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể này là chuyên gia nhập cảnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Biến thể này có một số điểm tương đồng với biến thể lần đầu tiên được xác định ở Anh và dường như cũng dễ lây lan hơn, nhưng không có bằng chứng cho thấy gây chết người nhiều hơn. Cựu giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ Scott Gottlieb cho rằng biến thể này có thể kháng nhiều hơn với các liệu pháp kháng thể.

  • Tác dụng của vaccine: Vào tháng 1, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm Anthony S. Fauci cho biết, biến thể này có thể làm vaccine giảm tác động, nhưng có thể vẫn sẽ hiệu quả. Moderna cho biết vaccine của họ bảo vệ chống lại biến thể ở Nam Phi nhưng lưu ý rằng, trong phòng thí nghiệm, các kháng thể tạo ra từ vaccine cũng kém hiệu quả hơn trong việc vô hiệu hóa đột biến này.

Pfizer và BioNTech đã phát hành nghiên cứu riêng nhưng chưa được đánh giá cho thấy vaccine của họ vô hiệu hóa biến thể này, mặc dù hiệu quả kém hơn một chút.

Vào ngày 29-1, Johnson & Johnson cho biết vaccine tiêm một mũi của họ có hiệu quả rõ rệt trong một cuộc thử nghiệm toàn cầu lớn, nhưng khả năng bảo vệ chống lại biến thể Nam Phi thì yếu hơn.

Tại Nam Phi, việc phân phối vaccine Oxford-AstraZeneca đã bị tạm dừng. Các quan chức y tế cho biết vaccine không cung cấp đủ khả năng bảo vệ chống lại các trường hợp nhẹ và trung bình do biến thể mới gây ra.

Biến thể Anh - B.1.1.7


Tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca ở Maidstone, Kent, Anh, nơi xuất hiện biến thể B.1.1.7. (Ảnh: Reuters).

  • Xuất xứ: Vào tháng 9-2020, biến thể này lần đầu tiên được tìm thấy ở Anh, đặc biệt là ở London và hạt Kent gần đó, vì thế nó còn được gọi là biến thể "Kent". Nó đã lan nhanh ở Anh, Đan Mạch và Ireland kể từ tháng 12-2020.
  • Mức độ lây lan: Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 86 quốc gia đã chứng kiến ​​sự lây nhiễm từ biến thể của virus này.

Biến thể đầu tiên được xác định ở Anh dường như dễ lây truyền hơn so với chủng phổ biến hơn. Vào tháng 1, Thủ tướng Anh Boris Johnson lần đầu tiên cho rằng chủng này có thể gây chết người cao hơn so với các đột biến trước đó.

Vào đầu tháng 1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã đưa ra một dự báo mô hình dự báo biến thể này có thể trở thành chủng vi khuẩn thống trị ở nước này vào tháng 3. Một nghiên cứu gần đây cho thấy biến thể này đã lây lan nhanh chóng ở Mỹ vào đầu tháng 2.

Ngày 2-1, Việt Nam lần đầu tiên phát hiện biến thể này từ một phụ nữ trở về từ Anh. Biến thể B.1.1.7 cũng đang gây bệnh tại Hải Dương, Quảng Ninh trong đợt bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam.

  • Tác dụng của vaccine: Giới khoa học có sự đồng thuận cho rằng vaccine sẽ vẫn có hiệu quả chống lại biến thể này bởi vì tiêm chủng đã kích thích một loạt các kháng thể trung hòa và các phản ứng khác của hệ miễn dịch. Các công ty công nghệ sinh học Pfizer và Moderna cho biết vaccine của họ dường như có tác dụng chống lại biến thể này.

Trong một nghiên cứu về người lớn tuổi, Giáo sư vi sinh lâm sàng Ravindra Gupta, Đại học Cambridge phát hiện ra rằng phản ứng miễn dịch do vaccine Pfizer kích hoạt ít hiệu quả hơn với biến thể ở Anh.

Biến thể ở Rwanda - A.23.1

  • Xuất xứ: A.23.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10-2020.
  • Mức độ lây lan: Ngoài Rwanda, biến thể A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số ít nước khác trên thế giới bao gồm Mỹ, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Australia cũng như một số nước khác ở châu Âu trong đó có Anh và Đan Mạch. Tuy nhiên, chưa cho thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này.

Ngày 12-2, Việt Nam công bố các ca bệnh thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất mới đây đều thuộc chủng A.23.1.

  • Hiệu quả của vaccine: các nhà khoa học khuyến cáo cần tiếp tục theo dõi cẩn thận biến thể này, cũng như đánh giá nhanh hậu quả của những thay đổi đột biến về protein đối với hiệu quả của vaccine.

Đột biến Eeek - E484K

  • Xuất xứ: Được gọi là E484K, hoặc "Eeek", đây là một đột biến xuất hiện trên một số biến thể. Đây không phải là một chủng mới; nó đã xuất hiện nhiều lần kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại. Đột biến này thu hút sự chú ý của cộng đồng khi sự xuất hiện của nó bắt đầu trùng khớp với các biến thể khác dễ lây lan hơn.
  • Mức độ lây lan: Eeek đã được nhìn thấy trong các biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil. Nó cũng đã được phát hiện trong hơn 200 mẫu virus được giải mã trình tự ở Mỹ kể từ tháng 5-2020.

Đột biến Eeek làm thay đổi protein đột biến của virus, vốn là mục tiêu của vaccine. Bản thân sự đột biến này không làm thay đổi đáng kể virus. Mối quan tâm với đột biến này là khi nó kết hợp với các biến thể khác, điều này có thể giúp virus tránh bị phát hiện và làm cho việc trung hòa bởi hệ thống miễn dịch của con người kém hiệu quả hơn.

  • Hiệu quả của vaccine: Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy vaccine kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng với các biến thể ở Nam Phi có đột biến. Nhưng vaccine vẫn làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong.

Biến thể Brazil - P. 1

  • Xuất xứVào tháng 7-2020, các nghiên cứu trình tự đã tìm thấy biến thể này ở Brazil, chủ yếu là ở Rio de Janeiro. Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã phát hiện ra nó ở những du khách đến từ Brazil vào tháng 1.
  • Mức độ lây lan: Biến thể này đã được xác nhận ở Brazil, Peru, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng một số quốc gia khác. Vào ngày 25-1, Mỹ đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể này là một người dân có tiền sử du lịch gần đây đến Brazil.

Biến thể có hơn một chục thay đổi, một số thay đổi được tìm thấy trên protein đột biến của virus, liên kết virus với tế bào. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng chủng này có thể dễ lây lan hơn. Cũng có một số bằng chứng ban đầu cho thấy kháng thể có thể không nhận ra biến thể P. 1, điều này có thể dẫn đến tái nhiễm.

  • Hiệu quả của vaccineHiện tại không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy vaccine sẽ không hoạt động chống lại biến thể được xác định đầu tiên ở Brazil. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đưa ra khả năng rằng biến thể này có thể né tránh các kháng thể, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine hiện tại.

Moderna thông báo rằng họ sẽ phát triển một loại vaccine mới phù hợp với một biến thể tương tự trong trường hợp cần thiết.

Biến thể Đan Mạch - L452R

  • Xuất xứ: Biến thể này đã được phát hiện ở Đan Mạch vào tháng 3-2020.
  • Mức độ lây lan: Tại Mỹ, quốc gia có nhiều ca mắc Covid-19 nhất thế giới, biến thể này đã và đang lan rộng ở Bắc California và có liên quan đến sự bùng phát tại các viện dưỡng lão, nhà tù và bệnh viện ở khu vực San Jose. Nó cũng đã được xác nhận ở Nam California và hơn một chục tiểu bang khác.

Vẫn chưa rõ liệu chủng virus SARS-CoV-2 này có khả năng lây truyền hay gây chết người nhiều hơn hay không.

  • Hiệu quả của vaccine: Một số nhà khoa học cho rằng biến thể này có thể kháng vaccine cao hơn vì đột biến nằm trong protein gai, cho phép virus bám vào tế bào. Nhưng các nhà khoa học cũng nói rằng cần phải nghiên cứu thêm trước khi họ có thể đưa ra kết luận.

Biến thể đầu tiên - D614G

  • Xuất xứ: Biến thể này được các nhà khoa học gọi đơn giản là “G”, được phát hiện ở Trung Quốc vào tháng 1-2020.
  • Mức độ lây lan: Đột biến "G" đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Đến tháng 7-2020, khoảng 70% trong số 50.000 bộ gene của virus SARS-CoV-2 được các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới tải lên cơ sở dữ liệu dùng chung mang biến thể này.

Một số nhà khoa học cho rằng biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn đáng kể so với chủng virus ban đầu. Đó là bởi vì biến thể này có số lượng gai nhiều hơn bốn đến năm lần trên bề mặt của nó. Những chiếc gai này cho phép virus bám vào và lây nhiễm các tế bào. Nhưng điều này vẫn đang tranh cãi.

  • Hiệu quả của vaccine: Biến thể G là chủng vượt trội khi diễn ra các thử nghiệm vaccine vào năm 2020. Các vaccine Pfizer và Moderna cho thấy hiệu quả 95% trong các thử nghiệm.

Vắc xin Covid-19: Hiệu quả 95% có nghĩa là gì?

Tất cả virus corona trên thế giới nằm vừa trong một lon nước ngọt

Phát hiện mới về biến chủng khiến ca mắc Covid-19 ở châu Âu tăng mạnh

Cập nhật: 18/02/2021 Theo Nhân Dân
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video