"Hóa chất vĩnh cửu" là các hợp chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), có tác dụng chống nước, chống dính, chống dầu mỡ và chống bám bẩn. Chúng xuất hiện trong vô số sản phẩm thường dùng từ nồi chảo, thiết bị y tế, mỹ phẩm cho đến hộp bánh pizza.
Chính phủ các nước đang đối mặt áp lực ngày càng tăng trong việc hạn chế PFAS do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa PFAS và bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh cũng như các tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch của con người và động vật.
Các nhà khoa học tháng 4/2024 công bố nghiên cứu phát hiện nồng độ nguy hiểm của “hóa chất vĩnh cửu” trên bề mặt nước và nước ngầm trên toàn thế giới, trong đó Australia, Mỹ và châu Âu được xác định là những điểm nóng ô nhiễm.
Làm sao tránh tiếp xúc hóa chất vĩnh cửu?
Câu trả lời là rất khó. Chúng ta chưa có cách nào tránh hoàn toàn và cũng không phải lúc nào cũng biết vật dụng nào chứa PFAS hay không.
Đây là việc đòi hỏi phải có sự chung tay từ cấp chính quyền đến địa phương. Mỗi quốc gia cần thiết lập các quy định mới, hạn chế mức tối đa hoặc đặt định mức cụ thể đối với việc sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp.
Đối với người dân, cần nâng cao nhận thức về hóa chất vĩnh cửu, thay đổi thói quen sinh hoạt để tránh tối đa việc tiếp xúc với PFAS bằng một số việc đơn giản: không uống nước chưa qua xử lý, tránh sử dụng thảm và đệm chống ố, bình xịt chống thấm.
Thay toàn bộ đồ dùng nhà bếp có lớp phủ chống dính bằng các sản phẩm từ gang, thép không gỉ, thủy tinh hoặc tráng men. Kiểm tra nhãn để nhận biết thành phần polytetrafluoroethylene, hoặc PTFE, hoặc các thành phần "fluoro" khác và tránh những thành phần đó.
Hạn chế dùng giấy gói thực phẩm, hộp nhựa xốp đựng đồ ăn nhanh và giấy bọc thực phẩm khác.
Tránh các loại mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc cá nhân được quảng cáo là "lì, thấm sâu và lâu trôi" vì chúng cũng chứa PFAS.