Những điều có thể chưa biết về cây lô hội

Loại lá cứng nhớt là "thuốc hạ đường huyết" tự nhiên, tốt cho người tiểu đường

Nha đam hay còn gọi là lô hội, long tu, lưỡi hổ có thể coi là một tủ thuốc nhỏ trong nhà. Gel ở lá của nó có thể đắp ngay lên các vết bỏng, từ bỏng ga tới cháy nắng. Tuy nhiên, dù là thảo dược nhưng không phải với ai cũng lành.

Cây lô hội, hay nha đam được sử dụng trong y học chữa bệnh từ thời Ai Cập cổ đại từ hàng nghìn năm trước, từng được người Ai Cập gọi với cái tên "cây trường sinh bất tử", theo Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia Mỹ (NCCIH). Có bằng chứng cho thấy, lô hội được Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra I sử dụng như 1 thức uống hàng ngày để tạo ra một làn da mịn màng, vẻ ngoài tươi tắn.

Loại cây này có nguồn gốc từ Bắc Phi, phía nam châu Âu và hiện được trồng phổ biến ở các vùng khí hậu nhiệt đới trên khắp thế giới. Lá lô hội vốn nổi tiếng với tác dụng làm đẹp da, dưỡng ẩm và các nhà khoa học khám phá thêm nhiều lợi ích cho sức khỏe khác.


Lô hội được sử dụng trong y học chữa bệnh từ thời Ai Cập cổ đại từ hàng nghìn năm trước.

Giảm chứng ợ nóng, hỗ trợ tiêu hóa

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh rối loạn tiêu hóa phổ biến, thường có triệu chứng ợ nóng. Một đánh giá năm 2010 cho thấy việc sử dụng lô hội trong bữa ăn có thể làm giảm các triệu chứng ợ nóng và làm dịu các vấn đề liên quan đến tiêu hóa khác.

Trong phần gel lô hội chứa enzyme giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm cảm giác chướng bụng. Vậy nên loại lá này còn được coi là thuốc nhuận tràng tự nhiên, thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.

Hạ đường huyết

Theo một nghiên cứu trên tập san học thuật Phytomedicine, uống 2 thìa nước ép lô hội mỗi ngày có thể làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Các hợp chất trong lô hội được cho là có tác dụng hỗ trợ cân bằng đường huyết, có lợi cho những người có tiểu đường hoặc có nguy cơ tiểu đường.

Thêm nha đam vào chế độ ăn uống của người đái tháo đường có thể cải thiện sức khỏe bởi các enzym, hợp chất có lợi. Trà nha đam, salad nha đam và sinh tố hoa quả thêm nha đam là những cách chế biến được bác sĩ khuyến khích.

Những người đang dùng thuốc hạ đường huyết nên thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nha đam vì nước ép từ loại lá này có thể làm giảm đường huyết quá mức.


Gel lô hội giữ dữ ấm, cải thiện độ đàn hồi cho da.

Làm đẹp da và tóc, dịu vết cháy nắng

Gel lô hội giữ dữ ấm cho da, cải thiện độ đàn hồi và ngăn ngừa sự phát triển của nếp nhăn và mụn. Một nghiên cứu quy mô nhỏ năm 2009 với phụ nữ trên 45 tuổi uống nước ép nha đam giúp tăng cường sản xuất collagen và cải thiện độ đàn hồi trên da, đặc biệt có lợi cho người có làn da khô.

Khi bôi lô hội lên vết cháy nắng còn giúp da nhanh lành hơn, ngăn ngừa bong tróc. Đó là bởi nha đam có đặc tính kháng khuẩn nên hiệu quả trong chữa lành vết thương như bỏng nhẹ, loét miệng… và hỗ trợ các vấn đề về da.Việc sử dụng gel lô hội trực tiếp lên tóc giúp tăng độ ẩm, làm mềm mại và giảm tình trạng tóc khô, rối.

Tăng cường khả năng miễn dịch

Nha đam chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin E, beta-carotene (dạng tiền thể của vitamin A), và nhiều khoáng chất như magiê, kẽm và selen. Những chất dinh dưỡng này đều đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ hệ thống miễn dịch.

Các hợp chất chống oxy hóa trong nha đam như polyphenols và flavonoids giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do. Việc sử dụng lô hội thường xuyên có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nâng cao khả năng chống lại bệnh tật cho cơ thể.

Ngoài các tác dụng kể trên, lô hội còn cải thiện sức khỏe răng miệng, kiểm soát cân nặng cũng như giảm các triệu chứng viêm cho cơ thể.

Những ứng dụng thú vị

Từ lâu, lô hội đã được biết tới với khả năng làm lành vết thương. Khả năng chữa lành vết bỏng, vết thương hở và giảm đau đã được ghi trong sử sách từ cách đây cả 10 thế kỷ.

Truyền thuyết kể rằng nữ hoàng Cleopatra đã dùng lô hội để duy trì vẻ tươi tắn, mềm mại của làn da.

Lịch sử hiện đại ghi nhận việc sử dụng lô hội là vào thập kỷ 30 của thế kỷ 20. Lô hội là một thành phần chính trong các loại thuốc trị cháy nắng, những vết thương nhỏ, kích ứng da và nhiều loại vết thương nhẹ khác.

Gần đây, lô hội còn trở nên phổ biến khi được đưa vào gel đánh răng. Tương tự như dùng cho da, lô hội trong gel đánh răng có tác dụng làm sạch, làm mềm lợi và có tác dụng chống khuẩn.

Gel lô hội nguyên chất thường được dùng bôi da 3-4 lần/ngày để điều trị cháy nắng hay các vết bỏng nhỏ. Với các vết bỏng lớn thì không nên bôi lô hội mà cần tới bác sĩ ngay lập tức.


Nước nha đam không thích hợp cho phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ có thai.

Lưu ý khi sử dụng lô hội

Tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lô hội cũng có một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng phát ban. Vậy nên điều bắt buộc cần làm trước khi uống hay bôi lô hội đó là thử phản ứng trên da ít nhất 24 tiếng để xem liệu bạn có bị dị ứng hay không. Tránh gel lô hội tiếp xúc lên mắt gây kích ứng.

Nên sử dụng lô hội tươi thay vì các sản phẩm đã qua chế biến chứa nhiều đường và chất bảo quản. Lá lô hội tươi chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn và mang lại hiệu quả rõ rệt hơn. Khi ăn nha đam tươi, cần làm sạch lớp nhựa mủ màu vàng kế bên lớp thạch nha đam để tránh ngộ độc bằng cách gọt vỏ, sau đó rửa/ ngâm bằng nước sạch cho đến khi hết nhớt.

Nước nha đam không thích hợp cho phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ có thai, có thể gây ra các cơn co thắt tử cung ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra người mắc hội chứng ruột kích thích, mắc bệnh tim cũng không nên sử dụng loại lá này.

Không dùng lô hội nếu đang bị trĩ, các bệnh thận, bệnh tim hay rối loạn nhịp tim.

Tránh dùng lô hội nếu bị dị ứng với hành, tỏi hay hoa tulip

Có khoảng 300 loài thuộc họ lô hội nhưng chỉ có một vài loài trong số đó là thực sự có thể dùng cho mục đích y tế.

Có thể ứng dụng lô hội trong điều trị lâm sàng như sau:

  • Trị táo bón: bột lô hội, cao mật bò, bột cam thảo và tá dược; hay lô hội tươi 100g, đậu xanh cả vỏ 20g, đường cát 50g nấu ăn.
  • Trị đau lưng: lô hội tươi 50g, đậu đen 50g, đường cát 100g nấu ăn.
  • Trị mụn nhọt - Abces: giã nhuyễn cả lá lẫn vỏ đắp lên vùng sưng đỏ.
  • Trị rôm sảy mụn: lấy nước cốt lô hội tươi thoa lên vùng da bệnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Bay

Cập nhật: 03/01/2025 Theo Dân Trí (Health24)/Tổ quốc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video