Những điều thú vị ít ai biết về loài chuột

Động vật gặm nhấm bao gồm khá nhiều loài, đáng chú ý 40% động vật có vú chính là động vật gặm nhấm. Động vật loài này có răng cửa sắc nhọn và răng của chúng vẫn tiếp tục phát triển ở tuổi trưởng thành. Một vài loại là những động vật phá hoại, lan truyền dịch bệnh. Khi nhắc đến động vật gặm nhấm, chúng ta không thể không nhắc đến một đại diện tiêu biểu là chuột.

Nhiều loại chuột được nuôi như thú cưng hoặc được chọn làm động vật để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Những đặc điểm của loài chuột để khá nhiều nhà khoa học tin dùng là bởi chuột khá thông minh, kích thước vừa phải và sinh sản cũng khá nhiều (một năm, một con chuột cái có thể đẻ tới sáu lần).

Tuy nhiên, còn có nhiều đặc điểm khá thú vị khác nữa của loài chuột mà chúng tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc:


Thính giác của chuột rất tốt.

Chuột bị mù màu. Chúng cũng không thích ánh sáng ban ngày. Nói cách khác, chuột là loài hoạt động về đêm. Trong bóng đêm, chúng mới có cơ hội tự tung tự tác.

Thính giác của chuột rất tốt. Chúng có thể nghe thấy những âm thanh trong phạm vi siêu âm. Khi liên lạc với nhau, chuột tạo ra cả những âm thanh thông thường (con người có thể nghe thấy) và cả siêu âm (âm thanh mà tai người không thể nghe thấy được).

Nước tiểu của một con chuột đực khác với nước tiểu của một con chuột cái. Thành phần nước tiểu của chuột đực có 5 yếu tố mà nước tiểu của chuột cái không có.

Chuột khi mới sinh bị mù và chúng cũng không có lông trên cơ thể.

Chuột ngủ hơn 12 tiếng một ngày. Hẳn rất nhiều người trong số chúng ta cũng phải ghen tỵ với loài chuột về mặt này.

Chuột có tổ chức rất gọn gàng. Những con chuột được thuần hóa hay nuôi làm thú cưng còn biết chia tổ thành chỗ để ăn uống, ngủ và đi vệ sinh!

Chuột là động vật khá thông minh. Chúng có thể chơi được một số ô chữ và tìm đường thoát ra khỏi mê cung.

Chuột có thể nhảy được lên cao 50cm. So với kích thước của loài chuột thì đây quả là một con số đáng nể. Không chỉ vậy, chuột cũng là một tay leo trèo và bơi lội cừ khôi.

Trong thần thoại Hy Lạp, thánh Apollo đôi khi được gọi là Apollo Smintheus, nghĩa là thánh Apollo chuột. Trong đền thờ ông còn có một con chuột bạch dưới bàn thờ.


Chuột đã được thuần dưỡng hàng trăm năm nay.

Thánh Hindu Ganesha - vị thánh của may mắn, tài sản và trí tuệ cưỡi một con chuột.

Tại Ai Cập, một con chuột được nấu chín có thể làm vị thuốc chữa nhiều loại bệnh, trong đó có cả đau dạ dày.

Nhiều người ngày nay vẫn tin rằng món thịt chuột nướng có thể chữa được bệnh đái dầm.

Chuột đã được thuần dưỡng hàng trăm năm nay. Ở Anh, câu lạc bộ chuột quốc gia (National Mouse Club of Britain) được thành lập từ năm 1895.

Một số con chuột còn giả chết nếu quá sợ hãi hoặc không tìm được cách thoát thân.

Chuột vẫn chăm sóc các con chuột sơ sinh dù đó không phải là con mà chúng sinh ra.

Loài chuột có tính đồng đội rất cao. Chúng chăm sóc cho những con chuột bị thương hay bệnh trong cùng nhóm. Khi được thí nghiệm giữa việc chọn ăn chocolate hay giúp đỡ đồng loại, các chú chuột thường quay sang giúp đỡ bạn mình.

Nếu không được sống hay nuôi cùng cặp đôi hoặc đồng loại, chuộc có xu hướng bị trầm cảm do cô đơn.

Khi vui vẻ, chuột thường nghiến răng và hấp háy mắt liên tục.

Chuột là loài chịu ảnh hướng rất mạnh từ bầy đàn. Chúng có thể chấp nhận ăn những thứ không thích nếu các con trong bầy đang ăn thứ đó.


Chuột là loài khá thông minh.

Nghe có vẻ kỳ nhưng chuột vốn là loài sạch sẽ hơn mèo hay chó. Chúng thường dành vài giờ mỗi ngày để chải chuốt, lau chùi bản thân và cho đồng loại, nhiều hơn nhiều so với thời gian chó mèo dùng để lau chùi bản thân. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa đã khiến tập tính và môi trường sống của loài này bị ảnh hưởng.

Đuôi của chuột ngoài chức năng giữ cân bằng khi di chuyển, chúng còn có tác dụng giao tiếp cũng như điều chỉnh thân nhiệt của chuột. Máu tại đuôi chuột sẽ được trao đổi thường xuyên nhằm giữ thân nhiệt của chuột ở mức ổn định.

Chuột khá thông minh. Chúng có thể học hỏi nhanh chóng cũng như có khả năng giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan như loài chó.

Những con chuột nuôi thường sống khá tình cảm. Chúng sẽ buồn y như loài chó khi bị tách khỏi người chủ lâu năm của mình.

Răng chuột không bao giờ ngừng lớn nên chúng buộc phải nhai gặm thứ gì đó để mài mòn liên tục. Bình quân răng chuột sẽ dài thêm khoảng 5 Inche (12,7 cm) mỗi năm nếu không bị mài mòn.

Chuột là loài biết bơi. Chúng có thể nín thở 3 phút dưới nước và lội qua những vùng nước cạn.


Chuột là loài khá kén ăn hơn bạn tưởng.

Chuột là loài có tốc độ sinh sản đáng kinh ngạc. Mỗi con chuột có thể bắt đầu chu kỳ sinh sản chỉ 3-4 tháng sau khi được sinh ra và chúng giữ vòng sinh đẻ khoảng 3 tuần mỗi lần.

Chuột cái có tình mẫu tử rất cao. Những con chuột mẹ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đàn chuột con của mình.

Trên thực tế, chuột là loài rất kén ăn. Khi ở một mình, chúng thường ăn những thứ mình yêu thích nhất và tách biệt những món ưa thích khỏi những thứ còn lại. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi môi trường sống và ảnh hưởng đến tập tính này.


Chuột Bosavi.

Chuột dài nhất thế giới: Năm 2009, một nhóm các nhà sinh vật học phát hiện một loài chuột lạ ở khu vực gần miệng núi lửa Bosavi ở Papua New Guinea. Miệng núi lửa này cũng là nơi sinh sống của 40 loài khác chưa được biết đến, bao gồm 16 loài lưỡng cư, 3 loài cá, 1 con tắc kè, 1 loài thú có túi và 1 số loài nhện, trong đó nhiều trong số chúng đặc thù cho hệ sinh thái Papua New Guinea. Chính vì thế, các nhà khoa học gọi chúng là chuột Bosavi (tên khoa học: Mallomys sp). Khi mới được phát hiện, Bosavi lập ngay kỷ lục là loài chuột dài nhất trên thế giới với kích thước lên đến 82cm. Theo BBC, những thổ dân địa phương thường xem chuột Bosavi là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho họ.

Cập nhật: 25/03/2020 Tổng Hợp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video