Những kiểu chữa trị virus corona khó đỡ

Ngay cả những chính khách và người có ảnh hưởng trong xã hội cũng tự tạo và lan truyền những phương thuốc chữa trị Covid-19 kiểu "lang băm" hoang đường, không có cơ sở khoa học.

Ở Ấn Độ, các chính trị gia của Đảng cầm quyền BJP theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đã tuyên truyền nước tiểu bò có thể chữa Covid-19. Ở Tanzania, tổng thống đã hứa hẹn rằng việc hành lễ trong nhà thờ sẽ “đốt cháy” virus. Ở Brazil, một nghị sĩ tuyên bố một ngày nhịn ăn sẽ ngăn chặn sự lây lan bệnh dịch.

Bùng nổ tin giả về "phương thuốc thần kỳ"

Và nhà lãnh đạo của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, ông Donald Trump, đã tâng bốc một loại thuốc chống sốt rét chưa được kiểm nghiệm như ‘phương thuốc thần kỳ, trong khi trên thực tế, thuốc này đã góp phần gây ra ít nhất một trường hợp tử vong.

Cũng xuất hiện những tuyên bố rất mơ hồ về sử dụng công nghệ trong cuộc chiến chống dịch. Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố đã phát minh ra một thiết bị có thể phát hiện virus corona ở khoảng cách 100 mét sử dụng từ trường và “virus lưỡng cực”.


Nhiều người Ấn độ uống nước tiểu của bò để chống Covid-19. (Ảnh: Getty Images).

Và tại Anh, Eamonn Holmes, người dẫn chương trình This Morning, nói “nhiều người đã lo lắng đúng” về mối liên hệ giữa mạng điện thoại di động 5G với virus corona, trong khi bản thân ông lại khẳng định mình không tin vào những trò bịp bợm.

Khi đại dịch toàn cầu đang diễn biến xấu đi, các chính trị gia, lãnh đạo đức tin và nhiều nhân vật có thẩm quyền khác từ khắp nơi trên thế giới đã “mời chào” nhiều phương pháp phi khoa học để ngăn chặn sự lây lan của nó.

Hiện đã nổi lên vô số phương pháp chữa Covid-19 kiểu “lang băm”, các kế hoạch phòng bệnh mù mờ hoặc các thuyết âm mưu tràn lan trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Tuyên bố từ những người có ảnh hưởng khiến công chúng lầm tưởng mà tin vào các phương pháp chữa bệnh không khoa học. Nếu chỉ là những nhận định chưa được chứng minh thì còn đỡ, tệ hơn là một số thậm chí có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch bệnh.

Các “bữa tiệc nước tiểu bò” ở Ấn Độ đã thu hút hàng trăm người tụ tập cùng nhau uống thứ chất lỏng mà một số người theo đạo Hindu tin rằng có dược tính này. Thành viên của đảng Kolkata, Narayan Chatterjee, đã bị bắt vì tổ chức một cuộc thi uống nước tiểu bò trong khi các nhà khoa học cực lực cảnh báo không tụ tập đông người.

John Magufuli, Tổng thống Tanzania, đã dừng tất cả các chuyến bay quốc tế trong dịp lễ Phục sinh, đóng cửa các trường học và cách ly du khách.

Nhưng trong khi một mặt cố gắng cách ly xã hội, mặt khác ông lại kêu gọi mọi người đi nhà thờ và nhà nguyện, tụ tập cùng nhau cầu nguyện cho bệnh tật qua đi. “Virus không thể tồn tại trong cơ thể của Chúa, nó sẽ bị đốt cháy”, ông nói trước một hội trường đông đúc trước lễ Phục sinh, “Đó là lý do tại sao tôi không sợ đi lễ”.


Tổng thống Tanzania John Magufuli. (Ảnh: The Guardian).

Một ngày “nhịn ăn chống Covid-19”?

Các cuộc tụ họp tôn giáo đã nhiều lần được chứng minh tạo điều kiện cho sự lây nhiễm. Những người sùng đạo nhất vẫn khăng khăng niềm tin rằng Chúa sẽ bảo vệ họ, và các hội nhóm thường tuân theo sự hướng dẫn của người đứng đầu.

Ở Israel, số các trường hợp mới tăng vọt trong cộng đồng chính thống nhanh hơn gấp bốn đến tám lần so với các nơi khác trong cả nước, sau khi các nhà lãnh đạo của họ bác bỏ các quy định của chính phủ.

Giáo sĩ cấp cao Chaim Kanievsky ban đầu đã từ chối đóng cửa các giáo đường và hội thảo tôn giáo. “Torah bảo vệ và cứu rỗi chúng ta”, người đàn ông 92 tuổi nói, cho đến cuối tháng 3 mới thừa nhận nguy cơ và kêu gọi mọi người cầu nguyện một mình tại nhà.

Tại Brazil, Marcos Feliciano, một nhà truyền giáo cánh hữu theo Phong trào Ngũ tuần kiêm nghị sĩ, đã kêu gọi một ngày “nhịn ăn chống Covid-19” vào chủ nhật ngày 5/4, nói rằng việc nhịn ăn sẽ tạo ra phép màu chữa lành Brazil.

Điều này đã được Tổng thống cực hữu Brazil, Jair Bolsonaro, chuẩn y. Ông cũng là người có phản ứng với cuộc khủng hoảng Covid-19 bị lên án là “liều lĩnh, hoang tưởng và phản khoa học”. Giống như Tổng thống Trump, ông Bolsonaro đã tin vào khả năng chữa bệnh của thuốc hydrochloroquine chưa được chứng minh.

Các nhà chức trách ở bang Kashmir, Ấn Độ đã nhắm đến 10-15 triệu cây dương ở khu vực này như một “mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng” bởi nó gây sốt do dị ứng phấn hoa, và ra lệnh chặt hạ quy mô lớn để chống Covid-19.

Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn hoài nghi về điều này, trong khi các nhà hoạt động và bảo tồn thiên nhiên cảnh báo việc chặt hạ cây sẽ gây tổn hại đến môi trường và kinh tế địa phương.

IRGC của Iran thì tuyên bố thiết bị mới của họ có thể phát hiện virus corona trong vòng 5 giây.

Chỉ huy trưởng của IRGC, ông Hossein Salami, tự hào tỷ lệ thành công của “hiện tượng khoa học đáng kinh ngạc” có thể được sử dụng để sàng lọc hàng loạt này lên tới 80%, và nói thêm nó có thể “làm cơ sở rất tốt cho bất kỳ loại virus nào khác”.

Theo Guardian, trong các video công bố, thiết bị công nghệ này trông giống như máy dò bom giả từng được bán cho Iraq và Afghanistan bởi một kẻ lừa đảo người Anh đã bị kết án.

Y học cổ truyền và thảo dược cũng được quảng cáo có tác dụng chữa bệnh bởi các nhân vật chính trị trên khắp thế giới.

Một nhà lãnh đạo đang bị chỉ trích công khai khi lan truyền thông tin gây nhiễu dư luận là Tổng thống Madagascar, Andry Rajoelina, người gần đây đã công bố các thử nghiệm về một phương thuốc chiết xuất từ loài thực vật bản địa của đất nước của mình “có thể thay đổi lịch sử nhân loại”. Ông không đưa ra chi tiết.

Trước đây, ông đã bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về những tuyên bố liên quan tới các phương pháp điều trị thay thế.

Bộ trưởng nội các Ấn Độ Shripad Naik nói Thái tử Charles, người thừa kế ngai vàng Anh, đã chữa khỏi Covid-19 nhờ các phương pháp chữa bệnh Ayurveda. Người phát ngôn của hoàng tử phủ nhận tuyên bố trên và nói rằng ông đã làm theo lời khuyên y tế của NHS.

Ở Nigeria, Bộ trưởng Y tế Osagie Ehanire, đã buộc phải vận động người dân “tỉnh táo” trước những tuyên bố từ người cai trị truyền thống của Vương quốc Ife về hỗn hợp các loại thực vật gồm hành tây, hạt tiêu châu Phi và cây lá neem có hiệu quả chống lại Covid-19, và cho biết việc đại dịch xảy ra đã được tiên đoán trước từ tháng 6/2019.

Cập nhật: 21/04/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video