Những loài ký sinh kinh dị trên cơ thể người

Cơ thể người là một mảnh đất màu mỡ cho các loài “quái vật” kinh dị ký sinh. Chúng ăn, ở, sinh sôi nảy nở và sau đó quay lại làm hại chúng ta.

Kinh dị những loài ký sinh trùng trên cơ thể người

1. Ấu trùng ruồi botfly – làm ổ dưới da

Botfly thuộc họ Oestroidea, sống chủ yếu ở Mexico, trung và nam Mỹ. Vòng đời của nó bắt đầu khi một con botfly cái bắt cóc và đẻ trứng lên mình của một động vật chân đốt chuyên hút máu, ví dụ như muỗi hay bọ chét. Con vật trung gian truyền bệnh này sau đó sẽ được thả ra để tiếp tục đi kiếm ăn ở các loài động vật khác, thường là các loài gia súc và con người.

Trứng của botfly sẽ nhờ đó mà lây sang vật chủ. Chúng phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ khi truyền từ vật trung gian sang vật chủ và nở thành ấu trùng. Ấu trùng này sẽ đào xới để làm ổ và hút máu dưới da của vật chủ qua vết đốt của vật trung gian hoặc là qua lỗ chân lông. Chỗ chúng làm ổ sẽ sưng tấy, tiết ra mủ và dịch gây đau nhức.

Ấu trùng làm ổ trong vật chủ khoảng 12 tuần cho tới lúc phát triển đủ lớn. Sau đó chúng bò ra ngoài, rớt xuống đất và phát triển thành nhộng ở trong đất. Ở đó chúng làm kén cho tới khi phát triển thành botfly trưởng thành và lại bắt đầu vòng đời mới.

Điều trị: cách thông thường là lấy ấu trùng ký sinh ra khỏi vật chủ bằng giải phẫu hoặc đơn giản là nặn chỗ vết thương để đẩy ấu trùng ra.

Cách phòng tránh: thoa thuốc chống muỗi, mặc quần áo bảo vệ, ngủ trong màn để tránh bị muỗi hoặc bọ chét đốt.

2. Sán lá Schistosoma mansoni - làm ổ trong não

Schistosoma mansoni là một loài sán lá hút máu của những động vật có vú. Chúng sống ở những hồ nước ngọt ở châu Phi, châu Á, và Nam Mỹ. Vòng đời của chúng bắt đầu khi một con giun trưởng thành đẻ trứng trên các mạch máu quanh thành ruột của vật chủ. Trứng theo phân đi ra ngoài. Khi tiếp xúc với nước, chúng nở thành những ấu trùng cực nhỏ. Ấu trùng này sẽ bám vào mình những con ốc và chui qua phần thân mềm của ốc. Ở đó chúng phát triển thành ấu trùng giun, lớn lên và dần trồi ra khỏi mình con ốc để tìm sinh vật chủ khác với nguồn cung cấp máu.

Khi gia súc hoặc con người tiếp xúc với vùng nước này, axít béo trên da sẽ hấp dẫn ấu trùng, khiến chúng bơi đến và bám vào mình vật chủ. Chúng tìm đến vết thương hở hoặc lỗ chân lông, phóng thích một chất hóa học có khả năng phân hủy da để tạo một lỗ nhỏ xíu đủ cho chúng bơi vào cơ thể vật chủ. Khi đã ở trong vật chủ, chúng hút máu và phát triển thành giun trưởng thành. Chúng thường sống trong các mạch máu gần gan.

Chúng giao phối trong các mạch máu và đẻ trứng gần thành ruột. Trứng này sẽ bám theo phân của vật chủ và bắt đầu vòng đời mới.

Sán lá Schistosomiasis là một bệnh phổ biến ở các vùng nhiệt đới đặc biệt là châu Phi. Ước tính hàng năm có khoảng 200 triệu cá thể trên khắp thế giới bị nhiễm loại sán này. Nó có thể tồn tại trong cơ thể vật chủ hàng chục năm mà không bị phát hiện, âm thầm phá hủy nội tạng của vật chủ như gan, ruột, phổi, lá lách. Nó có thể nguy hiểm chết người nếu giun đi lạc lên não.

Ở trẻ em, bệnh có thể gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến khả năng học tập. Một số trường hợp nghiêm trọng, giun di chuyển lên não, đẻ trứng và làm ổ ở não hoặc tủy sống, gây nên tai biến, liệt, hoặc thậm chí tử vong.

Điều trị: uống thuốc sổ giun có chứa Praziquantel làm tê liệt giun là cách phổ biến nhất.

Phòng ngừa: tránh tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt là nước thải.

3. Rệp – hút máu

Vòng đời của rệp bắt đầu bằng hành động giao phối bạo lực của con đực khi nó dùng cơ quan sinh dục của mình đâm vào lưng con cái và thụ tinh cho những cái trứng. Vết thương ở con cái sẽ liền trong vòng 24 tiếng, sau đó nó sẽ bắt đầu đẻ trứng; mỗi ngày nó đẻ khoảng 12 trứng, và trong một vòng đời nó có thể đẻ 500 trứng. Trong vòng 10 ngày, những cái trứng sẽ nở thành nhộng, và những con nhộng này lập tức bị hấp dẫn bởi nguồn máu nóng của động vật như gia súc hoặc con người.

CO2 trong hơi thở và nhiệt độ cơ thể con người là những yếu tố hấp dẫn rệp. Chúng dùng vòi của mình để hút máu những vật chủ chủ quan (trong lúc ngủ) (rệp thường sinh hoạt về đêm). Sau khi hút no, rệp ẩn trốn để tiêu hóa trong khoảng 7 ngày, sau đó chúng lại xuất hiện để kiếm ăn. Chúng lột xác khoảng 4 lần trước khi trưởng thành, giao phối và bắt đầu vòng đời mới.

Khi bị cắn thường xuất hiện triệu chứng ngứa, vết cắn bị sưng đỏ. Chúng cũng gây trằn trọc, khó chịu vào buổi tối.

Điều trị: các thuốc chứa antihistamine hoặc corticosteroids thường được chỉ định để giảm các triệu chứng do rệp cắn. Các loại thuốc mỡ khử trùng và kháng sinh cũng được dùng để tránh nhiễm trùng. Sau khi phát hiện bị rệp cắn, phải giặt toàn bộ quần áo, đệm, giường để diệt tận gốc.

Phòng tránh: vệ sinh quần áo, đệm, giường, ghế thường xuyên.

4. Ký sinh trùng Amip - ăn não

Naegleria fowleri là một loài ký sinh được tìm thấy chủ yếu ở nước ngọt và trong đất. Vòng đời của chúng bắt đầu ở dạng bào xác bám ở đáy các hồ nước ngọt. Chúng xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi khi tiếp xúc với nước bị nhiễm ấu trùng giun, nhất là lúc vật chủ bơi ở vùng nước ngọt như sông, hồ hoặc hồ bơi chưa tẩy trùng. Từ mũi, chúng bơi lên não và tủy sống, ở đây chúng bắt đầu phá hủy mô não. Khi bị hệ miễn dịch tấn công, hoặc khi môi trường không thuận lợi, chúng có khả năng tự tạo ra một chiếc áo giáp để tự vệ. Khi nguy hiểm đã qua, chúng lột xác, bắt đầu tự phân chia và một vòng đời mới bắt đầu. Chúng là loài ký sinh ưa nhiệt, vì thế bệnh lây nhiễm nhanh vào mùa hè.

Ký sinh trùng amip (Naegleria fowleri) thường gây viêm não nghiêm trọng dẫn đến tử vong do mô não bị phá hủy. Triệu chứng thường xuất hiện sau 2 tuần nhiễm khuẩn, biểu hiện ở nhức đầu, sốt, buồn nôn, cổ bị cứng. Nặng hơn, người bệnh cảm thấy choáng váng, mất thăng bằng. Cũng có thể bị đột quỵ, ảo giác. Quá trình phát bệnh rất nhanh, có thể gây tử vong trong 3-7 ngày.

Điều trị: chưa có thuốc đặc trị.

Phòng tránh: tránh tiếp xúc với nước bị ô nhiễm. Dùng kẹp mũi khi đi bơi để hạn chế sự lây lan.

5. Giun chỉ Wuchereria – gây bệnh chân voi

Giun chỉ Wuchereria bancrofti là loài ký sinh phổ biến ở Đông Nam Á. Vòng đời của nó bắt đầu từ khi một con muỗi nhiễm ấu trùng giun hút máu sinh vật chủ, hàng trăm ấu trùng sẽ lúc nhúc di chuyển vào mạch máu. Chúng sẽ di chuyển đến mạch bạch huyết, ở đó chúng phát triển thành giun trưởng thành dài từ 7-10cm. Giun trưởng thành sinh ra vô số ấu trùng, chúng rời mạch bạch huyết di chuyển đến các cơ quan khác của cơ thể. Vào ban ngày, ấu trùng nằm trong phổi, đến đêm, khi nhiệt độ cơ thể vật chủ hạ thấp, chúng bò ra ngoài da để nhờ muỗi mang đi phát tán, bắt đầu vòng đời mới.

Những trường hợp nhiễm nghiêm trọng, giun chỉ gây ra bệnh phù chân voi – hiện tượng sưng phù ở chân với kích cỡ khủng khiếp. Giun chỉ có thể ký sinh hàng chục năm trong cơ thể trước khi bị phát hiện thông qua các triệu chứng về hô hấp (do ấu trùng tập trung trong phổi) thường bị nhầm với hen suyễn. Qua nhiềm năm, xác chết của giun tích tụ ở mạch bạch huyết gây hiện tượng sưng phù ở chân, mưng mủ, chảy nước dịch ở chân lông.

Điều trị: thuốc diệt ký sinh anti-parasitic kết hợp với việc tắm rửa và chăm sóc da triệt để. Tập thể dục, matxa có thể làm dịu các cơn đau.

Phòng tránh: bôi thuốc chống côn trùng và mắc màn khi đi ngủ.

6. Giun lươn Strongyloidiasis stercoralis

Giun lươn được xếp loại là một trong những loại ký sinh trùng tiêu hóa nguy hiểm nhất nhưng vẫn bị WHO xếp loại vào nhóm bệnh bị lãng quên. TS.BS Bùi Tiến Sỹ, khoa Vi sinh vật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết giun lươn được xếp loại nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa.

Strongyloides là giun ký sinh ở người gây ra các bệnh về đường ruột. Ở giai đoạn ấu trùng chúng có hình dạnh như sợi chỉ, tồn tại độc lập trong đất mà không cần vật chủ. Vòng đời của nó bắt đầu khi ấu trùng tiếp xúc với vật chủ khi vật chủ tiếp xúc với đất có nhiễm phân, ấu trùng khi đó sẽ xâm nhập qua da, di chuyển đến các động mạch ở phổi, từ đó chúng tiếp tục di chuyển đến cơ quan hô hấp của vật chủ đợi cho đến khi được nuốt vào ruột.

Ở hệ tiêu hóa, chúng làm tổ và ăn ở một cách thoải mái ở ruột non cho đến khi trưởng thành và tiếp tục sinh sản. Mỗi con cái trưởng thành có thể sống đến 5 năm. Chúng đẻ đẻ ấu trùng vào phân của vật chủ, ấu trùng theo phân ra ngoài và tiếp tục vòng đời bất tận của chúng. Đôi khi ấu trùng không rời cơ thể qua đường phân mà chúng tự lột xác để phát triển thành một dạng ấu trùng sống ký sinh trong ruột, những ấu trùng này sau đó sẽ đâm xuyên thành ruột và di chuyển khắp cơ thể đến gan và phổi.

Bệnh giun lươn phân bố rộng rãi toàn cầu. Theo ước tính, số người nhiễm giun lươn lên đến 613,9 triệu dân, tương đương 8,1% dân số toàn cầu. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực có mức độ lây nhiễm cao nhất. Myanmar là quốc gia có tỷ lệ mắc nhiều nhất khu vực.

Tại Việt Nam, thống kê kết quả soi phân trực tiếp cho thấy tỷ lệ mắc bệnh giun lươn trong cộng đồng là 0,2% - 2,5%. Nghiên cứu trên 2000 mẫu huyết thanh của người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong năm 2016 và 2017 phát hiện tỷ lệ mắc bệnh giun lươn là 20%.

Vật chủ nhiễm giun lươn thường có biểu hiện các bệnh về đường ruột như bụng trương phồng, đau bụng, tiêu chảy, chúng cũng có thể gây phát ban, thường là ở chân, và đôi khi là lan khắp cơ thể. Nếu tình trạng nhiễm nặng khắp cơ thể có thể gây ho, thở khò khè và một số triệu chứng giống như bệnh viêm màng não.


Giun lươn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tại đường tiêu hóa. (Ảnh: Dreamtime).

Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến loét hoặc thủng ruột. Người bệnh sẽ có cảm giác đau bụng ở vùng trên bên phải, tiêu chảy, sốt không đều và ho, tình trạng nặng hơn là tiêu chảy có nhầy, có máu, thiếu máu, phù và cổ chướng.

Điều trị: khi phát hiện bị nhiễm giun lươn, cần điều trị ngay. Thuốc để trị loại giun này thường là ivermectin hoặc albendazole. Nếu có nghi ngờ bị nhiễm giun, hãy đi khám ngay để kịp thời điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

Phòng tránh: giun thường có mặt nhiều ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, ở những vùng này cần tránh để da tiếp xúc trực tiếp với đất có nhiễm phân. Xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

7. Ký sinh trùng Toxoplasma gondii – gây bệnh viêm não toxoplasma


Ấu trùng đuôi mèo trong mắt

Bệnh toxoplasma gây ra bởi kí sinh trùng đơn bào toxoplasma gondii. Mèo là vật chủ duy nhất trong giai đoạn giao phối của loài này, vì thế mèo thường là nguồn lây nhiễm. Vòng đời của loài kí sinh này bắt đầu khi chúng sinh sản ra một lượng lớn bào tử ở ruột non của mèo. Số bào tử này ra ngoài qua đường bài tiết của mèo. Sau đó chất thải lại được các loài gặm nhấm như chuột ăn phải. Một điều kỳ lạ là khi bị nhiễm loại ký sinh, các con vật gặm nhắm (chuột) thường có những thay đổi về mặt thần kinh. Thực chất là loài ký sinh này đã thâu tóm phần não bộ điều khiển cảm giác sợ hãi của loài chuột đối với mèo, vì thế những con chuột bị nhiễm khuẩn thường mất kiểm soát và bị mèo bắt ăn thịt và vòng đời của loài ký sinh này theo đó lại bắt đầu.

Con người có thể vô tình bị nhiễm loài ký sinh này qua đường ăn uống hoặc các đường lây nhiễm khác. Phân mèo nhiễm bệnh có thể làm lây nhiễm các vật dụng trong nhà, ô nhiễm đất và thậm chí nguồn nước uống. Sản phụ bị nhiễm ký sinh trùng toxoplasma sẽ truyền sang cho thai nhi.

Khi nhiễm vào cơ thể người, ký sinh trùng toxoplasma tạo thành những u nang ở mô, thường là cơ xương, ở não và mắt. Mặc dù nhiều người bị nhiễm loại ký sinh này nhưng lại không biểu hiện triệu chứng gì vì hệ miễn dịch của họ kiểm soát được loại ký sinh này. Khi cơ thể bị ốm, hệ miễn dịch yếu đi, lúc này sẽ có một số biểu hiện giống bệnh cảm cúm. Chúng kéo dài khoảng vài tuần rồi biến mất. Tuy nhiên, ký sinh trùng vẫn ngủ trong cơ thể và sẽ hoạt động trở lại khi hệ miễn dịch bị yếu gây ra một số bệnh mắt cấp tính như viêm võng mạc màng mạch và có thể dẫn đến mất thị lực.

Một số nghiên cứu khác đang được tiến hành để kiểm tra xem liệu ký sinh trùng – với khả năng gây ra thay đổi hành vi ở động vật bị nhiễm – có liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt hay không.

Trong trường hợp sản phụ bị nhiễm ký sinh trùng có thể gây sẩy thai, chết non, hoặc trẻ mắc bệnh toxoplasma bẩm sinh với biểu hiện đầu to dị thường.

Điều trị: người khỏe mạnh có sức đề kháng với loại ký sinh này mà không cần điều trị. Những trường hợp bị nhiễm nặng, có thể điều trị bằng hỗn hợp thuốc chức pyrimethamine, sulfadiazine và folinic axit. Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, những người có bệnh mắt và những cá nhân có hệ miễn dịch yếu cần một số điều trị hỗ trợ khác.

Phòng tránh: ăn chín, uống sôi. Thịt để đông đá vài ngày cũng làm giảm nguy cơ lây nhiễm, gọt vỏ và rửa rau quả cẩn thận, khi làm vườn nên đeo găng tay. Nên cho mèo ăn thực phẩm chín. Phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với mèo.

Cập nhật: 05/02/2024 Theo VietNamNet/Znews (Discovery)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video