Ợ nóng thường trầm trọng hơn sau bữa ăn. Để làm giảm triệu chứng này, bạn nên lưu ý tới thực phẩm, cách nghỉ ngơi và một số yếu tố khác.
Những điều cần biết về chứng ợ nóng
Ợ nóng là tình trạng phổ biến, đặc biệt là sau khi ăn đồ cay hoặc một bữa ăn thịnh soạn. Có khoảng 1 trong 10 người trưởng thành bị ợ chua ít nhất một lần một tuần. Tuy nhiên, nếu bạn bị ợ nóng hơn 2 lần/tuần, thì bạn có thể mắc một tình trạng nghiêm trọng hơn được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
1. Tại sao bạn lại bị ợ nóng sau khi ăn?
Khi nuốt thức ăn, chúng sẽ đi xuống cổ họng và qua thực quản để đến dạ dày. Hành động nuốt làm cho cơ kiểm soát lỗ mở giữa thực quản và dạ dày, được gọi là cơ vòng thực quản mở ra, cho phép thức ăn và chất lỏng di chuyển vào dạ dày của bạn. Nếu không, cơ vẫn đóng chặt.
Nếu cơ này không đóng lại đúng cách sau khi bạn nuốt, chất axit trong dạ dày có thể trào ngược lên thực quản. Điều này được gọi là "trào ngược". Đôi khi, axit dạ dày trào đến phần dưới của thực quản, dẫn đến chứng ợ chua.
Khi nuốt thức ăn mà cơ vòng thực quản đóng không đúng cách có thể gây ợ nóng. (Ảnh: Internet).
2. Một số mẹo giúp giảm chứng ợ nóng sau khi ăn
Ợ nóng sau khi ăn thường đem lại cảm giác khó chịu và gây kích ứng cổ họng. Để giảm triệu chứng ợ nóng sau khi ăn, các bạn có thể tham khảo một số biện pháp như:
Ngồi ít nhất 30 phút sau bữa ăn
"Căng da bụng, chùng da mắt" - sau các bữa ăn chúng ta thường cảm thấy buồn ngủ hơn. Tuy nhiên, nếu bạn ngủ ngay sau khi ăn có thể dẫn đến khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng.
Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ sau bữa ăn, bạn nên tiếp tục vận động bằng cách di chuyển xung quanh ít nhất 30 phút. Bạn có thể rửa bát hoặc đi dạo buổi tối.
Đặc biệt, bạn nên ăn bữa tối ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ và tránh ăn đồ ăn nhẹ ngay trước khi đi ngủ.
Mặc quần áo rộng rãi
Những bộ quần áo quá bó sát vào bụng hoặc sử dụng thắt lưng có thể gây áp lực lên bụng, dẫn đến chứng ợ chua. Do đó, sau bữa ăn bạn nên nới lỏng quần áo bó sát hoặc thay trang phục thoải mái hơn. Tưởng như đơn giản nhưng mẹo này rất hữu ích và giúp bạn giảm triệu chứng ợ hơi, ợ nóng.
Không hút thuốc và uống đồ uống có chứa caffeine sau đó
Hút thuốc sau bữa ăn có thể là thói quen của nhiều người, nhưng điều này có thể gây ra chứng ợ nóng bằng cách làm giãn cơ vốn thường ngăn chặn axit dạ dày trào ngược lên cổ họng.
Ngoài ra, sau bữa ăn do nhiệt độ cơ thể tăng cao, hút thuốc làm ức chế quá trình tiết protein cơ bản và bicarbonate, cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng. Đồng thời còn có thể gây tổn thương trực tiếp đến dạ dày và tá tràng, rối loạn tiêu hóa, tăng tiết mật, dễ gây đau bụng và các triệu chứng khác. Và cơ thể chủ động hấp thụ quá trình tiêu hóa thức ăn, đồng thời khả năng hấp thụ khói thuốc lá cũng được tăng cường, các chất có hại cũng tăng lên.
Caffeine cũng tác động tiêu cực đến chức năng của cơ vòng thực quản và làm trầm trọng chứng ợ nóng.
Uống đồ uống có chứa caffeine tác động đến chức năng của cơ vòng thực quản và làm trầm trọng chứng ợ nóng (Ảnh: Internet)
Kê cao đầu giường lên
Nếu ngồi hoặc vận động nhẹ nhàng 30 phút đến 1 tiếng sau khi ăn, bạn vẫn gặp triệu chứng ợ nóng khi nằm. Lúc này bạn nên nâng đầu giường lên khỏi mặt đất khoảng 10-15 cm.
Khi phần thân trên được nâng lên, trọng lực khiến các chất trong dạ dày ít có khả năng trào ngược lên thực quản. Điều quan trọng cần lưu ý là bạn phải thực sự nâng giường lên chứ không chỉ đầu. Kê thêm gối sẽ khiến cơ thể bạn ở tư thế cong, điều này có thể làm tăng áp lực lên bụng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng ợ nóng và trào ngược.
Bạn có thể nâng giường bằng cách đặt các khối gỗ từ 10 đến 15cm một cách chắc chắn dưới hai cột giường ở đầu giường. Những khối này cũng có thể được chèn vào giữa đệm và lò xo hộp để nâng cơ thể bạn từ thắt lưng trở lên.
Cố gắng đừng cúi xuống
Tư thế của bạn cũng có thể góp phần gây ra chứng ợ nóng. Nếu bạn đang cúi người, hãy thử ngồi thẳng hơn. Một nghiên cứu điển hình năm 2021 cho thấy các vấn đề về tư thế lâu dài có thể góp phần gây ra trào ngược dạ dày. Trong nghiên cứu, việc điều chỉnh tư thế xấu đã loại bỏ các triệu chứng trào ngược.
Chú ý đến thực phẩm trong bữa ăn
Chế độ ăn nhiều chất béo cũng có thể kéo dài và làm trầm trọng triệu chứng ợ nóng, vì vậy bữa ăn ít chất béo hoặc chứa các chất béo lành mạnh là lý tưởng.
Bạn nên hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn và nhiều dầu mỡ như đồ chiên, pizza, các loại thịt béo như thịt xông khói và xúc xích, phô mai, ... Đồng thời nên tránh những thực phẩm cay nóng và chua như trái cây họ cam quýt.
Thay vào đó, bạn nên lựa chọn những thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang, cà rốt, măng tây, bông cải xanh,...), thực phẩm có tính kiềm (chuối, dưa, súp lơ, quả hạch), thực phẩm nhiều nước (cần tây, dưa chuột, xà lách, dưa hấu).
Tránh những thực phẩm có nhiều dầu mỡ. (Ảnh: Internet).
Uống trà gừng
Trà gừng có chứa gingerol nên có thể giúp bạn tiêu hoá tốt hơn sau bữa ăn, làm giảm áp lực trên cơ vòng thực quản dưới. Vừa thơm ngon, không chứa caffeine, trà gừng là lựa chọn tuyệt vời sau bữa ăn giúp giảm triệu chứng ợ nóng, buồn nôn, đầy hơi.
Bạn có thể mua trà gừng pha sẵn hoặc đem giã một nhánh gừng tươi, đem đun với nước sôi và cho thêm một chút đường nếu thích là có thể thưởng thức.
Sử dụng thuốc
Nếu triệu chứng ợ nóng xảy ra trầm trọng và khiến bạn khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống chẳng hạn như mất ngủ, bạn nên sử dụng thêm thuốc để kiểm soát.
Một số loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để giảm chứng ợ nóng bao gồm:
- Alka-Seltzer (thuốc kháng axit canxi cacbonat)
- Maalox hoặc Mylanta (thuốc kháng axit nhôm và magie)
- Rolaid (canxi và thuốc kháng axit magie)
Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần dùng thuốc tăng cường theo toa, chẳng hạn như thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton (PPI), để kiểm soát hoặc loại bỏ axit dạ dày.
Nhìn chung, khi sử dụng thuốc bạn cần tuân theo loại thuốc và chỉ định từ bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc mà không có hướng dẫn.
3. Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nếu chứng ợ nóng của bạn nghiêm trọng hoặc xảy ra thường xuyên, bạn nên gặp bác sĩ để thăm khám. Trong một số trường hợp, triệu chứng ợ nóng có thể là do trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và có thể cần được điều trị từ thuốc.
Bên cạnh đó, chứng ợ nóng và đau tim có thể có các triệu chứng tương tự như gây đau ngực. Nếu bạn không có các triệu chứng đặc trưng khác của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và tìm ra nguyên nhân.