Những ngọn lửa vĩnh cửu trên thế giới

Các ngọn lửa bùng cháy một cách tự nhiên ở nhiều khu vực trên thế giới đã tồn tại qua nhiều thập kỷ hay thậm chí hàng thế kỷ.

Cổng địa ngục - Turkmenistan

Hố lửa khồng lồ Darvaza nằm trên sa mạc Karakum của Turkmenistan. Năm 1971, các kỹ sư địa chất Liên Xô vô tình tạo ra hố lửa khi thăm dò địa hình tại đây. Máy khoan thăm dò đã khoan nhầm một hang ngầm chứa khí gas, khiến các kỹ sư phải đốt lửa để ngăn chặn quá trình rò rỉ khí metal độc hại. Tuy tai nạn không gây thiệt hại về sinh mạng, lượng lớn khí methane bắt đầu phun lên bề mặt. Thay vì để methane tích tụ tới mức không an toàn, nhóm kỹ sư quyết định đốt khí gas thoát ra. Trái với dự đoán ngọn lửa sẽ tắt sau vài ngày, nó vẫn cháy suốt hơn 50 năm qua.

Yanartas - Thổ Nhĩ Kỳ

Yanartas là khu vực gần thung lũng Olympus, tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, được biết đến với những ngọn lửa cháy quanh năm. Những ngọn lửa vĩnh cửu ở đây nằm gần tàn tích của đền thờ cổ đại thờ Hephaestus, vị thần của thợ rèn và lửa trong thần thoại Hy Lạp. Những ngọn lửa ở thung lũng đã cháy liên tục không nghỉ ít nhất 2.500 năm qua, với nguyên nhân được cho là tác động của kim loại hiếm Ruthenium. Theo du khách, khu vực trông như địa ngục trên Trái Đất vào ban đêm.

Yanar Dag - Azerbaijan

Yanar Dag, hay còn được gọi là ngọn núi bốc cháy, có chiều cao khoảng 116m. Ngọn núi này nằm trên bán đảo Absheron, cách thủ đô Baku của Azerbaijan khoảng 25km về phía đông bắc. Khác với các núi lửa bùn khác ở Azerbaijan, Yanar Dag không sinh ra bùn hay chất lỏng, Yanar Dag cháy nhờ khí tự nhiên rò rỉ từ lớp đá sa thạch xốp ở sườn đồi trên vịnh Absheron. Bức tường lửa dài 10m quanh núi gần như không bao giờ tắt. Ngọn lửa có thể bùng lên cao 3m. Vì lửa bốc cháy quanh năm nên không khí ở đây lúc nào cũng đầy mùi khí gas. Chúng được biết đến từ thời cổ đại.

Erta Ale - Ethiopia

"Ngọn núi bốc khói" là tên gọi theo ngôn ngữ Afar để chỉ núi lửa hình khiên cao 613m, nằm trên sa mạc của Ethiopia. Điểm đáng chú ý của nó là hồ nham thạch hoạt động trên vùng hõm chảo của ngọn núi. Theo các nhà khoa học, đây là hiện tượng hiếm hoi và chỉ có 6 trường hợp được ghi nhận trên hành tinh. Erta Ale là hồ dung nham tồn tại lâu nhất thế giới. Còn có biệt danh là "cổng địa ngục", hồ dung nham của Erta Ale được phát hiện năm 1906. Chu kỳ của hồ bao gồm nguội đi, hình thành lớp màu đen và phun những ngọn lửa cao 3,96m.

Thác Eternal Flame, khu bảo tồn Shale Creek, New York, Mỹ

Một ngọn lửa vĩnh cửu thuộc hàng nổi tiếng nhất thế giới nép trong hang động nhỏ phía sau thác Eternal Flame cao 10,7 m ở khu bảo tồn Shale Creek, theo Interesting Engineering. Ngọn lửa cao khoảng 20 cm đã cháy hàng nghìn năm. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ nguồn cung cấp nhiên liệu thường xuyên cho ngọn lửa vĩnh cửu này. Tuy nhiên, họ cho rằng một quá trình địa chất nào đó giải phóng khí tự nhiên đều đặn từ lớp đá phiến sét ở độ sâu 400 m. Bên trong hang động, ngọn lửa nhỏ có thể quan sát phần lớn thời gian trong năm và cháy cả vào mùa đông khi thác nước đóng băng. Thỉnh thoảng, nó có thể bị tắt và cần đốt lại.

Ngọn lửa tự nhiên ở New York được giới khoa học xếp vào loại hiếm và là một bí ẩn đối với giới khoa học.

Thị trấn Centralia - Mỹ

Centralia, thị trấn thuộc quận Columbia, bang Pennsylvania, từng là khu vực sinh sống của hơn 1.000 cư dân. Nơi đây biến thành "thị trấn ma" sau khi đám cháy từ một mỏ than không thể kiểm soát vào khiến gần như toàn bộ người dân phải sơ tán vào năm 1984. Ngọn lửa được cho là bùng lên từ năm 1962, nhưng phải đến vài thập kỷ sau đó, người dân mới bắt đầu nhận ra những tác động hữu hình của nó đối với cuộc sống của họ. Ngày nay, dân số của thị trấn này chỉ còn khoảng 10 người. Các chuyên gia cho rằng ngọn lửa có thể bùng cháy 250 năm nữa.

Guanziling - Đài Loan

Thị trấn Guanziling của thành phố Đài Nam có vị trí nằm trên đường đứt gãy chứa methane, loại khí thường thoát ra ngoài không khí qua các vết nứt của Trái Đất. Ở hang động này (ảnh), khí methane từ các dòng nước nóng đã cung cấp nhiên liệu cho khiến ngọn lửa luôn bùng cháy. Theo một truyền thuyết, ngọn lửa trên đã cháy từ 300 năm trước.

Baba Gurgur - Iraq

Cánh đồng dầu mỏ ở Baba Gurgur là một trong những khu vực lớn nhất trên thế giới. Nó được phát hiện ở vùng phía bắc của Iraq năm 1927. Ngoài cung cấp năng lượng, Baba Gurgur còn là địa điểm văn hóa và tinh thần quan trọng với người dân địa phương. Thời xa xưa, các bà mẹ tương lai thường đến đây để cầu chuyện cho con cái của họ.

Những ngọn lửa ở cánh đồng than Jharia, Ấn Độ

Việc khai thác than ở đây đã có từ cuối những năm 1800, đám cháy đầu tiên được báo cáo vào 1920. Từ 1970 khi các công ty khai thác than chuyển từ khai thác ngầm sang khai thác lộ thiên (làm than đá bị phơi ra trong không khí có Oxy và dễ bốc cháy) thì nạn cháy mỏ than trở nên nghiêm trọng.

Than đá bitum thậm chí có thể tự bốc cháy ở 40oC (104oF).

Khi đám cháy đủ lớn, chúng thiêu rụi cả mặt đất làm tất cả nhà cửa, thậm chí đường ray cũng bị phá hủy. Vào năm 1995, lửa cháy âm ỉ dưới lòng đất đã lan tới bờ sông làm sập tường chắn, gây ngập úng bãi khai thác và làm chết 78 công nhân mỏ.

Lửa trong đền Jwalamukhi, Ấn Độ

Có rất nhiều truyền thuyết về những ngọn lửa tự nhiên, nhưng không có truyền thuyết nào lại tàn bạo như của người Hindu về ngọn lửa bất diệt ở đền Jwalamukhi. Người ta kể lại rằng Prajapati Daksha đã làm nhục con gái là Sati trong một bữa tiệc, làm cho cô công chúa rất buồn bực và tự thiêu để khỏi phải chịu tủi hổ.

Để trả thù cho người tình, thần chết Shiva chặt đầu Daksha và đi chu du khắp thiên hạ với cơ thể cháy rụi của người yêu quá cố. Cuối cùng, Thần Vishnu đã cắt cơ thể của Sati thành nhiều mảnh và rải ra khắp mặt đất. Lưỡi của cô rơi trúng vào đền Jwalamukhi và tập trung toàn bộ sức mạnh của cô thành một ngọn lửa.

Vì vậy, đền Jwalamukhi thờ vị Nữ thần Ánh sáng. Ngôi đền nằm cách thành phố Dharamshala, Ấn Độ khoảng 50 km, khi tới đây, du khách có thể thấy những ngọn lửa màu xanh cháy nhờ khí ga tự nhiên trong đường dẫn vào núi. Trong đền không có tượng thần mà chỉ có ngọn lửa được thờ cúng.

Núi lửa Mount Wingen, Australia

Những đám than cháy ngầm dưới lòng đất tạo nên núi lửa Mount Wingen gần thị trấn Wingen, New South Wales, Australia. Nguyên nhân có thể do sét đánh hoặc than tự bốc cháy. Người dân ở đây cho biết đỉnh núi này đã cháy liên tục trong 6000 năm. Các nhà cổ sinh học cho rằng đây có thể là hiện tượng than cháy lâu nhất trong lịch sử.

Mỗi năm đường lửa cháy lan rộng khoảng 1m về phía Nam, đám cháy này đã lan ra ít nhất 6km kể từ khi nó hình thành. Với tốc độ này, trong vòng 255.000 năm tới nó sẽ lan tới ngoại ô Sydney với khoảng cách 280km.

Cập nhật: 15/04/2024 Theo Vnexpress, Mother Nature Network
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video