Tại sao không thể lấp "Cổng địa ngục" cháy 50 năm ở Turkmenistan?

Hố rò rỉ methane còn gọi là "Cổng địa ngục" cháy suốt khoảng 50 năm rất khó xử lý vì nếu chỉ lấp miệng hố, khí vẫn sẽ thoát ra gây hại cho môi trường.

Cách đây 10 năm, nhà thám hiểm National Geographic George Kourounis trèo vào Cổng địa ngục. Hố sâu 30 m, rộng 70 m ở vùng trung bắc Turkmenistan có tên gọi chính thức là miệng hố Darvaza (đặt theo tên ngôi làng gần đó), nhưng biệt danh Cổng địa ngục mô tả rõ hơn hiện tượng, đó là hố chứa methane bắt lửa hàng thập kỷ trước ở vùng hẻo lánh của sa mạc Karakum và cháy liên tục kể từ đó. Năm 2013, Kourounis trở thành người đầu tiên trèo vào bên trong miệng hố bốc cháy. Sau hai năm lên kế hoạch, ông chỉ có 17 phút để thu số liệu khí gas và mẫu vật đất trước khi phải thoát ra ngoài. "17 phút đó đã khắc sâu vào tâm trí tôi. Nó đáng sợ hơn nhiều, nóng và lớn hơn nhiều so với tôi nghĩ", National Geographic dẫn lời Kourounis.

Chuyến thám hiểm thu hút sự chú ý đối với miệng hố Darvaza trên khắp thế giới. Chính phủ Turkmenistan từng tuyên bố sẽ dập tắt vĩnh viễn ngọn lửa bốc cháy do khí methane vĩnh viễn trước khi quyết định bỏ mặc Cổng địa ngục.

Với nguồn dự trữ dầu khí khổng lồ, Turkmenistan có vô số khu công nghiệp, nơi khí methane, một loại khí nhà kính mạnh, rò rỉ vào khí quyển. Đầu mùa hè năm nay, chính quyền Mỹ và Turkmenistan thảo luận cách hợp tác để bịt kín những khu vực này, có thể bao gồm cả miệng hố Darvaza. Nhưng dập lửa không phải việc dễ dàng. "Quá trình có thể sai hướng. Tôi rất lo ngại về nguy cơ xảy ra vụ nổ", Guillermo Rein, nhà khoa học nghiên cứu hỏa hoạn ở Đại học Hoàng gia London, chia sẻ.

Dù có vẻ ngoài đáng sợ, miệng hố Darvaza không quá kỳ lạ. Còn gọi là "Ánh sáng Karakum" trong tiếng Turkmenistan, miệng hố nằm trên lòng chảo Amu-Darya, một thành hệ địa chất chứa lượng dầu và khí tự nhiên chưa thể xác định, chủ yếu là khí methane. Phần lớn khí methane thoát ra từ vỏ Trái Đất. Nếu bắt lửa, nó sẽ cháy cho tới khi nhiên liệu, nguồn nhiệt, hoặc không khí giàu oxy không còn nữa. Thông thường, khí methane trong vùng được khai thác bởi ngành công nghiệp dầu khí hoặc rò rỉ bên trên mặt đất hay dưới nước mà không ai chú ý.

Các nhà môi trường học và chính phủ Turkmenistan ngày càng chú ý đến hố lửa Darvaza do những đóng góp của nó đến quá trình biến đổi khí hậu, Newsweek hôm 21/6 đưa tin. Hố lửa Darvaza, được mệnh danh là "Cổng địa ngục" của Turkmenistan, đã phun khí methane vào khí quyển suốt khoảng 50 năm.


Hố lửa Darvaza, nơi được mệnh danh là "Cổng địa ngục" của Turkmenistan. (Ảnh: Giles Clarke).

Methane, thành phần chính của khí tự nhiên, là loại khí nhà kính gây ấm lên toàn cầu mạnh gấp 80 lần CO2 trong 20 năm đầu tiên bay vào khí quyển, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc.

"Theo tôi biết, miệng hố hình thành từ thời Liên Xô, khi Liên Xô cố gắng khoan lấy khí đốt tự nhiên tại đây. Vào thời điểm đó, công nghệ khoan chưa đủ tinh vi và giàn khoan bị sập, khí tự nhiên bắt đầu thoát ra, bay vào khí quyển thay vì được thu giữ", Stefan Green, giám đốc Cơ sở Hệ vi sinh vật và Hệ gene học thuộc Đại học Rush, Mỹ, cho biết.

Sau đó, miệng hố bị đốt cháy, chưa rõ có phải do cố ý hay không. "Nếu là cố ý, có thể mục đích là đốt hết khí thay vì để khí thoát ra không kiểm soát", Green nhận định.

Hố lửa Darvaza rộng 70m và sâu 20m. Năm 2022, tổng thống Turkmenistan chỉ thị các quan chức tìm cách dập lửa và thu giữ khí methane thoát ra. "Khí tự nhiên bốc lên mất kiểm soát là một thảm họa môi trường và việc đốt cháy thực chất cũng mang lại lợi ích. Bằng cách này, methane được chuyển đổi thành CO2. Việc giải phóng CO2 cũng có hại cho sự ấm lên toàn cầu, nhưng không gây hại bằng methane", Green cho biết.

Một trong những đề xuất phổ biến là lấp đầy miệng hố. Nhưng Green cho rằng cách này khó có thể giải quyết tình hình. "Về cơ bản, bạn có một vụ rò rỉ khí quy mô lớn. Trừ khi bạn bịt được chỗ rò rỉ, còn không thì lấp miệng hố là vô ích vì khí vẫn sẽ thoát ra. Tôi nghĩ lấp đầy miệng hố sẽ không thể ngăn rò rỉ. Để ngăn rò rỉ, có thể cần khoan một số chỗ gần miệng hố để kéo khí ra khỏi miệng hố", ông nói.

Bên cạnh đó, quá tập trung vào lấp miệng hố cũng có thể làm sao nhãng việc khắc phục những nguồn phát thải methane chính của Turkmenistan. Đây là một trong những nước phát thải methane lớn nhất thế giới, phần lớn do rò rỉ từ quá trình sản xuất dầu khí, với mức phát thải tương đương hơn 70 triệu tấn CO2 mỗi năm, theo website Our World In Data.

Cập nhật: 15/04/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video