Gần đây, một nghiên cứu của các nhà khoa học Đức đã chứng minh rằng những người càng thông minh thì càng dễ bị cận. Cận thị là căn bệnh về mắt khi tầm nhìn của bạn bị mờ ngoài 2m. Nó thường bị gây ra bởi sự kéo dài của nhãn cầu khi bạn còn trẻ.
Cận thị đã trở thành căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới trong những năm gần đây. Tại Mỹ, nó ảnh hưởng đến hơn 40% dân số. Tại Anh, con số này dao động từ 20- 30%. Trong khi đó, ở các nước châu Á phát triển, tỷ lệ cận thị đã lên đến 80% với tốc độ gia tăng nhanh chóng.
Những người thông minh và có trình độ học vấn cao thường mắc bệnh cận thị. (Ảnh: mashable.com)
Chính điều này đã khiến cho các nhà khoa học đặt câu hỏi liệu các yếu tố môi trường có đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này hay do trình độ học vấn và trí thông minh khiến cho tỉ lệ cận tăng cao.
Để thử và tìm mối liên hệ giữa trí thông minh và tầm nhìn, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Mainz của Đức mà Alireza Mirshahi là tác giả chính của nghiên cứu đã kiểm tra mức độ cận thị ở 4658 người Đức có độ tuổi từ 35 đến 74.
Kết quả, 24% người tham gia cận thị là những người không học trung học hoặc không qua bất kỳ sự đào tạo nào. Khoảng 35% người cận thị là sinh viên tốt nghiệp trường trung học và sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề. Trong đó, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học cận thị chiếm hơn một nửa (53%).
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét tác động của 45 gene đánh dấu, nhưng nó cũng không ảnh hưởng đến mức độ cận thị mạnh mẽ bằng trình độ học vấn.
Giải pháp trước mắt và đơn giản cho căn bệnh này là người cận thị cần phải đi ra ngoài thường xuyên hơn.
Trong vài năm qua, các nghiên cứu về trẻ em và thanh thiếu niên tại Đan Mạch và châu Á cho thấy bạn càng dành nhiều thời gian ở ngoài trời và tiếp xúc với ánh sáng ban ngày thì bạn càng ít bị cận thị hơn.