Cải thiện chất lượng nước, đồng thời nâng cao sự hiểu biết là vấn đề toàn thế giới đang phải đối mặt. Liêp Hợp Quốc khẩn cấp kêu gọi trách nhiệm về bảo vệ môi trường, tránh thảm họa thiên tai.
LHQ: Trách nhiệm tập thể với đại dương
Theo TTXVN, ngày 3/9, trong thông điệp gửi Hội nghị quốc tế về đại dương diễn ra tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của môi trường biển đối với nhân loại và kêu gọi các nước cần thực hiện trách nhiệm tập thể bảo vệ các đại dương của thế giới.
Rác thải đang xâm lấn đại dương. (Ảnh: Nationalgeographic.com)
Với chủ đề “Đại dương, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững,” hội nghị năm 2010 đã nêu bật vai trò không thể thiếu của đại dương và những lợi ích to lớn mà nó mang lại cho nhân loại. Duy trì, bảo vệ sức sống và các chức năng sinh thái của đại dương là cơ sở cho tương lai thịnh vượng và bền vững của con người.
Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh trong khi các đại dương tạo ra các nguồn oxy, cung cấp thực phẩm và các nguồn dinh dưỡng, hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính chống biến đổi khí hậu..., thì các hoạt động của con người lại đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái của các đại dương.
Đa dạng sinh học của các đại dương cũng bị đe doạ do sự khai thác không bền vững các nguồn lợi của đại dương. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cảnh báo các loại rác thải của xã hội con người từ đất liền, khí quyển, từ nông nghiệp, công nghiệp và dân số đô thị không ngừng tăng lên đang làm ô nhiễm nước các đại dương không chỉ ven bờ, mà cả vùng nước giữa đại dương.
Ngừng phá hoại hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, đầm lầy ven biển… vừa làm giảm tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế-xã hội cho hàng trăm triệu người sống phụ thuộc vào các đại dương.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định mọi hành động của con người đối với các đại dương phải được thực hiện trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển, được coi là “hiến pháp về các đại dương.” Nhân loại cần có nhận thức tập thể và rõ ràng về tầm quan trọng của đại dương đối với sự tồn tại của con người, về tác động của đại dương đến khí hậu, thời tiết và nguồn nước sinh hoạt. Mọi ưu tiên cần được dành cho các chương trình quản lý ven biển và đại dương, khoa học về đại dương và công nghệ về đại dương.
LHQ: Vì một thế giới sạch khí nhà kính
Theo TTXVN, ngày 3/9, Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới hành động khẩn cấp để tiến tới một thế giới ít hoặc không có khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc nhấn mạnh nhân loại không thể để trầm trọng hơn nữa các thảm hoạ thiên tai chưa từng thấy như lũ lụt ở Pakistan và cháy rừng ở Nga mới đây.
Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, chính phủ các nước đã cam kết cắt giảm hoặc không để tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu tại thành phố Cancun của Mexico sắp tới, các nước phải thỏa thuận hạn ngạch khí thải, quyết định thời điểm và cách thức thực hiện các cam kết này một cách có trách nhiệm để đạt được hiệp ước toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chống biến đổi khí hậu.
Các cuộc thương lượng tại Thiên Tân (Trung Quốc) của 42 bộ trưởng các nước thải nhiều khí thải nhất thế giới vào tháng 10 tới là cơ hội cuối cùng trước Hội nghị cấp cao Cancun để đạt được một lập trường chung về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Khói thải từ một nhà máy xi măng tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).
Cho đến nay, các nước công nghiệp phát triển giàu có đã cam kết tài trợ 30 tỷ USD cho các nước đang phát triển để giảm khí thải, thích nghi và làm giảm tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2012. Các nước giàu cũng cam kết tăng số tiền tài trợ các nước đang phát trển lên 100 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc nhấn mạnh các nước phát triển cũng như đang phát triển cần có các đề xuất cụ thể để thực hiện các cam kết này tại Hội nghị Cancun vào tháng 12 tới.
Toàn cầu: Thách thức về chất lượng nước
Theo TTXVN, trong các ngày từ 5-11/9 sẽ diễn ra hội thảo "Tuần lễ nước thế giới" tại Stockholm, Thụy Điển để tập trung thảo luận vấn đề cốt yếu là chất lượng nước - một thách lớn nhất mà toàn thế giới đang phải đối mặt.
Nhiều chuyên gia học nổi tiếng tham gia “Tuần lễ nước thế giới” sẽ tiến hành thảo luận và đưa ra những kiến nghị cụ thể về cải thiện chất lượng nước, qua đó từng bước nâng cao sự hiểu biết của những nhà hoạch định chính sách và công chúng đối với vấn đề chất lượng nước.
Anders Boenteer, Viện trưởng Viện nghiên cứu nước quốc tế Stockholm, Thụy Điển cho biết vấn đề chất lượng nước sẽ là tiêu điểm quan tâm của Tuần lễ nước thế giới, sắp diễn ra tại Stockholm trong năm nay.
Ông còn cho biết: “Trước kia chúng tôi thường tiến hành thảo luận vấn đề nước từ góc độ lượng, ví dụ như làm thể nào để ngày càng nhiều người có nước sử dụng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa có những quan tâm đầy đủ trong vấn đề chất lượng nước. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải tập trung vào những thách thức từ chất lượng nước.”
Đây là một thách thức lớn nhất về vấn đề nước mà toàn thế giới đang phải đối mặt.