Theo Tân Hoa Xã ngày trung tuần tháng 9 vừa qua Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc kiêm Cục trưởng Cục quản lý y dược Trung y Vương Quốc Cường cho biết, cơ quan này đã đệ trình hồ sơ xin công nhận di sản văn hóa phi vật thể đối với bộ môn châm cứu của Trung Quốc.
Ngày 14/9, bác sỹ Mã Triệu Cần, Chủ nhiệm khoa Châm cứu bệnh viện Trung y Tế Nam đã trình diễn liệu pháp châm cứu bọ cạp (Toàn hiết châm) điều trị một số chứng bệnh như viêm cột sống, đau đầu, đau lưng, phong thấp….
Hiện tại bệnh viện này chỉ tính riêng bộ môn châm cứu đã có tới hơn 100 loại, mỗi ngày các bác sỹ sử dụng các liệu pháp này để điều trị cho hàng trăm bệnh nhân.
Châm cứu trong y học truyền thống Trung Quốc bao gồm 2 phần, châm và cứu. Châm là liệu pháp sử dụng kim châm vào các huyệt đạo nhất định trên cơ thể, thông qua liệu pháp dùng kim chích, xoáy vào các huyệt đạo để điều trị bệnh.
Cứu là liệu pháp sử dụng lá ngải khô đốt cháy châm vào các huyệt trên da, sử dụng sức nóng để trị bệnh.
Châm cứu là một bộ phận cấu thành quan trọng không thể thiếu của nền y học cổ truyền Trung Quốc. Trong cuốn y thư “Bị cấp thiên kim yếu phương” của danh y Tôn Tư Mạc thời nhà Đường chép rằng, biết châm mà không biết cứu hay biết cứu mà chẳng biết châm đều không phải lương y.
Trong công trình này, danh y Tôn Tư Mạc đã đúc kết rất nhiều tri thức, nội dung về lý luận châm cứu, hệ thống huyệt đạo, kỹ thuật châm cứu và các dụng cụ đi kèm.
Trong quá trình hình thành và phát triển, châm cứu Trung Hoa mang bản sắc và đặc trưng rõ nét của người Hán, là một di sản quý báu của văn hóa và khoa học truyền thống Trung Hoa.
Tuy nhiên, một số người phản đối việc xin công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho bộ môn châm cứu của Trung Quốc.
Những người này cho rằng gần đây Trung Quốc xuất hiện trào lưu xin công nhận di sản, coi truyền thống văn hóa là “con gà đẻ trứng GDP” vì nó mang lại những lợi nhuận kinh tế.
Nhiều khi người ta cứ xin công nhận di sản nhưng lại không coi trọng việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản ấy.