Trước trận động đất kinh hoàng tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria làm hơn 4.300 người chết, thế giới cũng từng chứng kiến những thảm họa kinh hoàng khác trong thế kỷ 21.
Ngày 7/2, số người thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 3.700 người thiệt mạng, hơn 16.000 người bị thương. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mô tả đây là trận động đất tàn phá nặng nề nhất mà quốc gia này từng trải qua kể từ năm 1999. Thảm hoạ ở 2 nước có thể sẽ trở thành một trong những trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử.
Dưới đây là 5 thảm họa trận động đất kinh hoàng nhất thế giới từng đối mặt trong thế kỷ 21:
2004: Thảm họa kép ở Ấn Độ Dương
Đầu những năm 2000, thế giới liên tiếp chứng kiến một loạt trận động đất kinh hoàng. Tháng 12 năm 2004, một trận động đất mạnh 9,3 độ richter, mạnh thứ ba trong lịch sử từng được ghi nhận (kể từ khi các hoạt động lưu giữ dữ liệu địa chấn được xây dựng vào năm 1900), xảy ra với tâm chấn ngay ngoài khơi bờ biển phía tây Indonesia.
Trận động đất đã gây ra một cơn sóng thần khổng lồ cao 30 mét tàn phá các cộng đồng dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương, giết chết tổng cộng 227.898 người ở 14 quốc gia, khiến nó trở thành thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất được ghi nhận trong lịch sử.
Ngoài số người chết lớn, thảm họa này còn phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng và làm hoạt động kinh tế bị gián đoạn trên khắp các vùng ven biển như Aceh của Indonesia và các tỉnh Tamil Nadu của Ấn Độ.
Trận động đất mạnh đến mức nó thậm chí còn gây ra những cơn địa chấn nhỏ hơn ở tận Alaska.
Hình ảnh sau vụ sóng thần năm 2004. (Nguồn: Insider)
2010: Thảm họa ở Caribean
Vào tháng 1 năm 2010, một trận động đất mạnh 7,0 độ richter đã tấn công đảo quốc Haiti thuộc vùng Caribe. Tâm chấn nằm gần thị trấn Leogane, chỉ cách thủ đô Port-au-Prince 25 km.
Các dư chấn do trận động đất gây ra kéo dài trong gần hai tuần, gồm ít nhất 52 cơn chấn động nhỏ hơn từ 4,5 độ richter trở lên.
Thảm họa đã ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu người. Chính phủ Haiti cũng cho biết, trận động đất này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 220.000 người. Khoảng 250.000 ngôi nhà và 30.000 công trình đã bị phá hủy, trong khi Port-au-Prince và một số thành phố khác bị thiệt hại nặng nề.
2011: Thảm họa kép ở Thái Bình Dương
Vào tháng 3/2011, một trận động đất siêu mạnh có cường độ 9,1 độ richter đã xảy ra dưới đáy biển Thái Bình Dương, cách Nhật Bản khoảng 72 km về phía đông. Đây là trận động đất mạnh thứ hai trong thế kỷ 21 và là trận động đất lớn thứ tư từng được ghi nhận.
Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 19.700 người và khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Một cơn sóng thần do trận động đất gây ra đã dẫn đến thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, được mô tả là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Ba trong số các lò phản ứng của cơ sở hạt nhân Nhật Bản bị tan chảy, dẫn đến việc xả nước nhiễm phóng xạ ra khu vực xung quanh nhà máy.
Theo Ngân hàng Thế giới, thiệt hại kinh tế ước tính từ sự kiện này lên tới 235 tỷ USD, khiến nó trở thành thảm họa gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử.
Một con thuyền bị sóng thần cuốn lên tận nóc ngôi nhà hai tầng ở Iwate. (Ảnh: JIJI)
2008: Đại động đất Tứ Xuyên
Tháng 5/2008, một trận động đất mạnh xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Với cường độ 8,0 độ richter, trận động đất đã gây ra số lượng dư chấn địa chất lớn nhất từng được ghi nhận, bao gồm khoảng 200.000 vụ lở đất. Nó được cảm nhận ở tận Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng như ở Thái Lan và Việt Nam.
Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người và khiến gần 5 triệu người mất nhà cửa, trở thành trận động đất kinh hoàng nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1976.
2005: Động đất ở Kashmir
Tháng 10/2005, một trận động đất mạnh 7,6 độ richter đã xảy ra ở phía tây của vùng Kashmir, phần do Pakistan kiểm soát, cũng như một số khu vực thuộc lãnh thổ Jammu và Kashmir do Ấn Độ quản lý. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của 86.000 người và khiến nhiều người bị thương, trong khi hàng triệu người phải di dời. Thảm họa được coi là thảm họa động đất nguy hiểm nhất ở Nam Á trong thế kỷ 21.