Nỗ lực vô vọng cứu loài dê rừng khỏi tuyệt chủng hai lần

Dê rừng Pyrenees là loài vật đầu tiên hồi sinh từ nguy cơ bị xóa sổ và cũng là loài vật duy nhất tuyệt chủng hai lần.

Dê rừng Pyrenees hay còn gọi là bucardo, từng sinh sống phổ biến trên những ngọn núi thuộc dãy Pyrenees ở biên giới Pháp - Tây Ban Nha cũng như vùng Basque Country, Navarre, bắc Aragon, và bắc Catalonia, theo IFL Science. Dù là loài vật biểu tượng của cả vùng, bộ sừng cong đồ sộ biến dê rừng Pyrenees thành mục tiêu hấp dẫn của những kẻ săn trộm. Đến nửa cuối thế kỷ 20, loài vật dần trở nên vắng bóng trên các sườn đồi.


Bác sĩ Alberto (phải) và Celia, con dê rừng Pyrenees cuối cùng còn sót lại. (Ảnh: IFL Science).

Những nỗ lực tăng cường nhân giống diễn ra trong suốt thập niên 1980 nhưng quá trễ. Năm 1997, chỉ còn sót lại duy nhất một con dê rừng Pyrenees còn sống. Các kiểm lâm viên tìm thấy cá thể sót lại, một con dê cái 13 tuổi tên Celia, bên dưới một gốc cây đổ ở khu vực xa xôi trong công viên quốc gia Ordesa hồi tháng 1/2000. Dê rừng Pyrenees chính thức được xếp vào nhóm động vật tuyệt chủng cùng với chim dodo.

Alberto Fernández-Arias, một bác sĩ thú y chuyên chăm sóc động vật hoang dã từng nghiên cứu cách hồi sinh sơn dương Tây Ban Nha, nuôi con dê cái suốt 10 tháng trước khi nó chết. Ông lấy mẫu tế bào từ tai và sườn nó, đưa tới phòng thí nghiệm để nuôi cấy, sau đó bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ sâu. "Nhân bản động vật có vú từng được cho là bất khả thi. Đến năm 1996, cừu Dolly ra đời. Và sự kiện đó đã thay đổi nhiều thứ", Alberto cho biết.

Dựa vào kinh nghiệm tái sinh sơn dương Tây Ban Nha của Alberto, một nhóm nhà khoa học người Pháp và Tây Ban Nha do Jose Folch đứng đầu bắt đầu nỗ lực hồi sinh loài dê rừng Pyrenees.

Nhóm của Folch tiêm nhân lấy từ tế bào của dê cái Celia vào trứng dê nhà đã bị hút bỏ vật liệu di truyền. Sau đó, họ cấy những quả trứng vào loài lai giữa sơn dương Tây Ban Nha và dê nhà. Họ cấy thành công 57 bào thai. Tuy nhiên, chỉ 7 con vật lai mang thai và 6 con trong số đó bị sảy. Con còn lại sinh con thành công.


Cặp sừng lớn khiến dê rừng Pyrenees bị săn bắn đến tuyệt chủng. (Ảnh: ILF).

Một con dê rừng Pyrenees cái chào đời vào ngày 30/7/2003. "Tôi đã kéo con dê nhỏ ra. Khoảnh khắc đó là lần đầu tiên trong lịch sử một con vật tuyệt chủng hồi sinh trở lại", Alberto nói.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên con người đánh bại sự tuyệt chủng dù trong thời gian vô cùng ngắn ngủi. "Ngay sau khi ôm con vật trong tay, tôi đã biết nó bị suy hô hấp. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn bình khí oxy và những loại thuốc đặc biệt, nhưng nó không thể thở bình thường. Sau 7 - 10 phút, con dê chết", Alberto kể lại.

Câu chuyện không được công chúng biết tới cho đến khi các nhà khoa học xuất bản nghiên cứu vào năm 2009. Tuy nhiên, nguồn vốn cạn kiệt và nhiều nhà nghiên cứu rời khỏi dự án, dẫn tới dê rừng Pyrenees tuyệt chủng thêm một lần nữa. Nhóm nghiên cứu không coi bản thân như những nhà tiên phong xóa bỏ tuyệt chủng. Tất cả những gì họ làm là vì loài dê rừng Pyrenees.

"Khi dê rừng Pyrenees còn sống, chúng tôi cố gắng cứu chúng. Khi tất cả chúng đều chết, chúng tôi vẫn nỗ lực cứu chúng", Alberto giải thích.

Cập nhật: 28/11/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video