Giải Nobel Hòa bình năm nay vừa được trao cho các bà Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee và Tawakkul Karman, do đã có các hoạt động vì nữ quyền đáng ghi nhận.
>>> Nobel Hòa Bình năm nay sẽ "ít gây tranh cãi"
Từ trái qua: Sirleaf, Gbowee và Karman. (Ảnh: Nobelprize)
AFP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland cho hay bộ ba Sirleaf - Gbowee - Karman được lựa chọn vì "cuộc tranh đấu phi bạo lực của họ cho sự an toàn của phụ nữ cũng như các quyền của phụ nữ nhằm tham gia đầy đủ vào công việc xây dựng hòa bình".
"Chúng ta không thể có được sự dân chủ và hòa bình lâu dài trên thế giới nếu phụ nữ không có được những cơ hội tương đương như nam giới, góp phần vào sự phát triển ở mọi cấp độ của xã hội", ông Jagland nói.
Bà Ellen Johnson Sirleaf, 72 tuổi, là đương kim tổng thống Liberia. Bà là tổng thống nữ đầu tiên tại châu Phi, và hiện là nhà nữ lãnh đạo duy nhất tại châu lục này đang nắm quyền sau khi chiến thắng trong một cuộc bầu cử.
Bà Leymah Gbowee cũng là một công dân Liberia và nổi tiếng với biệt danh "chiến binh hòa bình". Bà là người tổ chức một phong trào hòa bình dẫn tới sự kết thúc của cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia trong năm 2003.
Khác với hai người nói trên, bà Tawakkul Karman là một chính trị gia và nhà hoạt động vì nhân quyền người Yemen. Bà là thành viên chủ chốt của Al-Islah, đảng đối lập chính tại Yemen và là người lãnh đạo nhóm "Các nhà báo nữ không xiềng xích".
Trong phong trào nổi dậy vẫn đang diễn ra ở Yemen, bà Karman đã tổ chức các cuộc biểu tình của sinh viên tại thủ đô Sanaa để có tiếng nói với Tổng thống Ali Abdullah Saleh và chính quyền của ông. Bà từng hai lần bị bắt rồi lại được thả trong năm nay.
Bộ ba nói trên đã vượt qua hàng loạt ứng cử viên nặng ký như các nhà hoạt động tham gia vào phong trào nổi dậy Mùa xuân Ảrập ở Bắc Phi và Trung Đông; Liên minh châu Âu; nhà hoạt động vì nhân quyền người Afghanistan Sima Samar; tổ chức nhân quyền Memorila của Nga; Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai và cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl.