Giải Nobel Hòa bình được công bố chiều nay là một lựa chọn được nhất trí cao và sẽ ít gây tranh cãi hơn năm ngoái, chủ tịch ủy ban trao giải cho biết.
"Tôi nghĩ giải năm nay sẽ được đón nhận trên khắp thế giới", AFP dẫn lời chủ tịch ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland phát biểu với hãng tin NRK hôm qua, một ngày trước khi giải được công bố.
Vào 9h GMT (tức 16h Hà Nội) hôm nay, ủy ban sẽ loan báo một giải Nobel "đầy sức thuyết phục", ông cho biết và thêm rằng tuy vậy sự lựa chọn "không phải là không gây chút tranh cãi nào".
Giải Nobel Hòa bình năm nay "sẽ không gây ra phản ứng mạnh mẽ từ một quốc gia như năm ngoái", khi ông Lưu Hiểu Ba, một người bất đồng chính kiến và là một tù nhân ở Trung Quốc được lựa chọn. Điều đó đã khiến Bắc Kinh hết sức tức giận.
Giới quan sát đều cho rằng chuỗi sự kiện Mùa xuân Ảrập, trong đó những cuộc biểu tình hòa bình của dân chúng đã dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt chính phủ ở Tunisia, Ai Cập và Libya, gây làn sóng chao đảo ở Syria, Yemen và Bahrain, sẽ đặt dấu ấn tại giải Nobel năm nay. Trên nền đó, các nhà hoạt động xã hội mạng ở Bắc Phi đang là những ứng viên sáng giá nhất.
Tuy nhiên ông Jagland không ủng hộ các phỏng đoán trên, và chỉ ra rằng "còn nhiều diễn biến tích cực khác trên thế giới mà chúng ta có thể quan sát".
"Tôi hơi ngạc nhiên là các nhà nghiên cứu và những người khác chưa nhận thấy", ông nói mà không tiết lộ thêm manh mối gì về lựa chọn Nobel Hòa bình năm nay.
Danh sách các ứng viên năm nay nhiều kỷ lục, với 241 cái tên. Danh sách này luôn luôn được giữ bí mật, và năm nào nó cũng tạo ra vô số lời phỏng đoán cho đến tận những phút cuối cùng.
Ngoài các nhà hoạt động ở Bắc Phi và Trung Đông, những cái tên được nhắc đến gồm Sima Samar, một bác sĩ người Afghanistan và là nhà hoạt động nữ quyền; nhà hoạt động xã hội người Nga Svetlana Gannushkina cùng tổ chức nhân quyền Memorial do bà sáng lập.
Liên minh châu Âu, vốn đang đối phó với một cuộc khủng hoảng toàn diện do vấn đề nợ công trong khu vực đồng euro, cũng được cho là có khả năng giành giải Nobel nhờ vai trò duy trì hòa bình ở châu Âu trong nửa thế kỷ qua. Ông Jagland là một người ủng hộ nhiệt tình và công khai cho ứng viên này, dù Na Uy không phải là thành viên Liên minh.
Giải Nobel hòa bình được Hội đồng Nobel Na Uy công bố. Người/tổ chức được trao sẽ được nhận huy chương, bằng chứng nhận và khoản tiền tương đương 1,4 triệu USD. Nobel hòa bình luôn là vấn đề gây tranh cãi. Năm 2009, việc giải thưởng này về tay Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng làm dấy lên hai làn sóng chỉ trích lẫn ủng hộ.