Giải thưởng thuộc về ba nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz với hai nghiên cứu về vũ trụ học và ngoại hành tinh.
Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển lúc 16 giờ 55, ngày 8/10 (giờ Hà Nội) đã công bố giải Nobel Vật lý năm 2019 thuộc về các nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz. Ba nhà khoa học sẽ cùng chia sẻ khoản tiền thưởng trị giá hơn 900.000 USD cho hai công trình nghiên cứu được đánh giá là "đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ".
Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý 2019. (Ảnh: Twitter).
Nhà nghiên cứu James Peebles đã xây dựng nền tảng mang tính lý thuyết về vũ trụ học và Michel Mayor cùng Didier Queloz phát hiện ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời.
James Peebles ở Đại học Princeton (Mỹ) nghiên cứu chuyên sâu về vũ trụ cùng với hàng tỷ thiên hà và cụm thiên hà. Công trình của ông giúp tăng cường hiểu biết về cấu trúc và lịch sử của vũ trụ, đặt nền móng cho ngành vũ trụ học trong 50 năm qua. Mô hình Big Bang mô tả quá trình vũ trụ tiến hóa trong gần 14 tỷ năm từ một khối cầu nóng và đặc thành vũ trụ mênh mông, lạnh lẽo và không ngừng mở rộng như ngày nay.
Gần 400.000 năm sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ tăm tối dần trở nên trong suốt, cho phép ánh sáng truyền qua không gian. Ngày nay, bức xạ còn sót lại dưới dạng phông vi sóng vũ trụ và lưu giữ nhiều thông tin về vũ trụ thuở đầu.
Với các công cụ lý thuyết và tính toán, Peebles giải mã những dấu vết sót lại từ thuở sơ khai của vũ trụ và phát hiện nhiều quá trình mới. Ông nhận thấy chúng ta mới chỉ biết 5% vũ trụ khả kiến dưới dạng ngôi sao, hành tinh và con người. 95% còn lại bao gồm năng lượng tối và vật chất tối theo cách gọi của các nhà vật lý. Năng lượng tối là lực thúc đẩy sự mở rộng của vũ trụ trong khi vật chất tối vô hình dường như lơ lửng quanh các thiên hà, chỉ có thể nhận biết qua sức hút trọng lực.
Michel Mayor và Didier Queloz ở Đại học Geneva (Thụy Sĩ) khám phá các khu vực lân cận hệ Mặt Trời trong dải Ngân Hà. Tháng 10/1995, họ tìm thấy hành tinh khí khổng lồ quay quanh ngôi sao 51 Pegasi ở cách Trái Đất 50 năm ánh sáng. Sử dụng thiết bị chuyên dụng, họ quan sát hành tinh giống sao Mộc 51 Pegasi b từ Đài thiên văn Haute-Provence ở phía nam nước Pháp. Đây là ngoại hành tinh đầu tiên được phát hiện quanh một ngôi sao dãy chính, loại sao hợp nhất nguyên tử hydro để hình thành nguyên tử heli ở lõi. Sao dãy chính, bao gồm cả Mặt Trời, là loại sao phổ biến nhất trong vũ trụ.
Phát hiện của họ đã mở ra cuộc cách mạng trong ngành thiên văn học. Kể từ sau đó, hơn 4.000 ngoại hành tinh được phát hiện trong dải Ngân Hà với sự đa dạng về kích thước, hình thái và quỹ đạo.
Kể từ khi Alfred Nobel lập ra giải thưởng, đã có 112 giải Nobel Vật lý được trao cho 209 nhà khoa học. John Bardeen là học giả duy nhất hai lần đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 1956 và 1972. Giải thưởng được trao bởi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm.
Giải Nobel Vật lý 2018 được trao cho nhà nghiên cứu Arthur Ashkin (Mỹ), Gérard Mourou và Donna Strickland (Canada) nhờ những phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser. Strickland ở Đại học Waterloo, Ontario, trở thành người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel Vật lý từ khi Maria Goeppert Mayer nhận được vinh dự này vào năm 1963. Bà là người phụ nữ thứ ba trong lịch sử đoạt giải Nobel Vật lý.