Cung điện Buckingham thông báo Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời tại lâu đài Balmoral ở Scotland ngày 8/9, thọ 96 tuổi.
"Nữ hoàng đã ra đi một cách yên bình tại cung điện Balmoral chiều nay. Vua cùng Vương hậu sẽ ở lại Balmoral tối nay và trở lại London vào ngày mai", Cung điện Buckingham thông báo lúc 18h30 ngày 8/9 (0h30 ngày 9/9 giờ Hà Nội).
Thái tử Charles, 73 tuổi, người được chỉ định thừa kế ngai vàng từ năm ba tuổi, hiện trở thành Vua Charles III, và sẽ được chính thức công bố tại Cung điện St James’s ở London trong thời gian sớm nhất có thể.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại Cung điện Holyroodhouse ở Edinburgh, Scotland hồi tháng 6. (Ảnh: AFP).
Thông tin được đưa ra vài giờ sau khi Cung điện Buckingham nói rằng các bác sĩ lo ngại sức khỏe của Nữ hoàng và bà cần được theo dõi y tế. Tất cả con của Nữ hoàng gồm Thái tử Charles, Công chúa Anne, 72 tuổi, Hoàng tử Andrew, 62 tuổi và Hoàng tử Edward, 58 tuổi, lập tức đến lâu đài Balmoral để ở cạnh bà. Cháu nội của bà là Hoàng tử William cũng có mặt.
Nước Anh sẽ tổ chức quốc tang trong 10 ngày để tưởng nhớ Nữ hoàng.
Với tư cách Nữ hoàng Vương quốc Anh, đồng thời là người đứng đầu Khối thịnh vượng chung 54 quốc gia, Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia nổi tiếng nhất thế giới với thời gian trị vì rất dài.
Nữ hoàng Elizabeth II lên nắm quyền năm 1952 ở tuổi 25, sau khi vua cha George VI qua đời. Hồi tháng 6, Vương quốc Anh tổ chức Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của bà, lâu hơn bất kỳ vị quân chủ nào khác trong lịch sử nước này. Chồng bà là Hoàng thân Philip qua đời tháng 4/2021 ở tuổi 99.
Sức khỏe của Nữ hoàng được chú ý kể từ khi bà trải qua một đêm trong bệnh viện hồi tháng 10 năm ngoái vì căn bệnh chưa được công bố và sau đó các bác sĩ khuyên bà nên nghỉ ngơi. Cùng tháng, Nữ hoàng cũng gây chú ý vì lần đầu chống gậy trước công chúng kể từ năm 2004. Kể từ đó, Nữ hoàng hạn chế xuất hiện trước công chúng hơn.
Hồi tháng 2, Nữ hoàng được xác nhận nhiễm nCoV, gây lo lắng vì bà thuộc nhóm có nguy cơ trở nặng cao. Điện Buckingham khi đó ra thông báo cho biết bà chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ giống như cảm cúm, song Nữ hoàng sau này chia sẻ rằng bà cảm giác mệt mỏi và kiệt sức vì nhiễm virus.
Đến tháng 5, Nữ hoàng Elizabeth lần đầu không dự lễ khai mạc quốc hội sau gần 60 năm do gặp khó khăn khi đi lại.
Những lo ngại về sức khỏe của Nữ hoàng gia tăng khi bà rút khỏi cuộc gặp trực tuyến với các tân bộ trưởng của chính phủ mới hôm 7/9, sau khi các bác sĩ yêu cầu bà phải nghỉ ngơi. Chỉ một ngày trước đó, Nữ hoàng tiếp đón tân Thủ tướng Anh Liz Truss và chính thức bổ nhiệm bà.
Trong các bức ảnh lễ bổ nhiệm, Nữ hoàng mỉm cười nhưng trông có vẻ yếu ớt và phải chống gậy. Một bức ảnh làm dấy lên báo động khi cho thấy vết bầm tím đậm trên bàn tay phải của Nữ hoàng.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II (trái) tiếp đón tân Thủ tướng Anh Liz Truss tại lâu đài Balmoral ở Scotland hôm 6/9. (Ảnh: AFP).
Các đài truyền hình và đài phát thanh đã cắt chương trình thường nhật để phát tin tức Nữ hoàng qua đời, với lịch trình đặc biệt đã được tập dượt từ lâu để tưởng nhớ cuộc đời và thời kỳ trị vì lâu dài của bà. Quốc ca "God Save the Queen" được vang lên. Các lá cờ được hạ xuống và chuông nhà thờ rung lên để tưởng nhớ Nữ hoàng.
Đối với hầu hết người dân Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth là vị vua duy nhất mà họ biết, một hình tượng không thể thay đổi trên tem, tiền giấy và tiền xu. Với vóc dáng nhỏ bé nhưng là biểu tượng của nền văn hóa đại chúng, bà luôn nổi bật trong những trang phục màu sắc rực rỡ cùng chiếc mũ phù hợp, đeo vòng cổ ngọc trai, găng tay và túi xách.
Thời gian trị vì của bà kéo dài qua nhiều thay đổi của thế giới, từ Chiến tranh Lạnh đến vụ tấn công khủng bố 11/9, từ biến đổi khí hậu đến đại dịch Covid-19, từ những bức thư tay và tàu hơi nước đến email và thám hiểm không gian. Bà được coi là hiện thân sống động của nước Anh thời hậu chiến và là sợi dây liên kết giữa kỷ nguyên hiện đại với thời đại đã qua.
Là người đứng đầu một trong những gia đình nổi tiếng nhất thế giới, bà nhận được sự ủng hộ to lớn của công chúng trong suốt cuộc đời, ngay cả khi bị phản ứng dữ dội sau cái chết của Công nương Diana năm 1997.
Gần đây hơn, Hoàng gia Anh bị rung chuyển bởi những tuyên bố từ Hoàng tử Harry và người vợ Meghan về phân biệt chủng tộc trong hoàng tộc. Bà cũng phải chịu đựng vụ bê bối liên quan con trai thứ hai, Hoàng tử Andrew, bạn của kẻ phạm tội ấu dâm Jeffrey Epstein.
Người Anh bàng hoàng nhận ra thời điểm triều đại của bà sẽ kết thúc sau khi Nữ hoàng mất đi người chồng yêu quý. Tuy nhiên, hoàng gia từ lâu chuẩn bị cho tình huống khi Nữ hoàng qua đời và quá trình Thái tử Charles kế vị đã được tiến hành tốt đẹp.
Vua Charles III, con trai cả của ông là Hoàng tử William, người hiện trở thành thái tử, và vợ anh là Công nương Kate từ giờ bắt đầu đảm nhận nhiều quyền hơn.
- Những đặc quyền không thể tin nổi khi bạn là... nữ hoàng Anh
- Vì sao nữ hoàng Anh lại không sử dụng họ của mình?
- Ý nghĩa cách vẫy tay biểu tượng của Nữ hoàng Anh
- Cầu vồng đôi xuất hiện bên ngoài Điện Buckingham khi Nữ hoàng Anh băng hà
- Thái tử Charles trở thành Vua Vương quốc Anh
- Trình tự lên ngôi của Vua Charles III sau khi Nữ hoàng Anh băng hà