Từ lâu giới khoa học muốn tìm hiểu các cơ chế kiểm soát lượng thức ăn lấy vào cơ thể trong não. Gene-Jack Wang, một chuyên gia làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven (Mỹ) và đồng nghiệp muốn tìm ra nguyên nhân khiến một số người thường xuyên ăn quá mức và tăng cân, trong khi nhiều người khác hiếm khi cảm thấy thèm ăn.
Họ mời 13 phụ nữ và 10 nam giới tăng cân nhanh tham gia một thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu yêu cầu tình nguyện viên cho biết thông tin về những món ăn mà họ thích rồi yêu cầu họ ăn những món này với số lượng lớn trong một đêm.
Sáng hôm sau các nhà khoa học dạy tình nguyện viên cách khống chế cảm giác thèm ăn bằng liệu pháp tâm lý. Sau đó họ cho tình nguyện viên nhìn các món ăn ưa thích rồi tiến hành chụp cắt lớp não. Tất cả tình nguyện viên đều thừa nhận liệu pháp tâm lý giúp họ khống chế được cảm giác thèm ăn, nhưng kết quả chụp não cho thấy những vùng kiểm soát hành vi ăn uống trong não của nhóm nữ vẫn tiếp tục phát tín hiệu với tần cao. Trong khi đó hoạt động của não nam giới giảm hẳn.
Nora Volkow, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết sự khác biệt quá lớn giữa hai giới khiến bà ngạc nhiên. Nhà khoa học này suy đoán rằng nhu cầu dinh dưỡng ở nữ luôn lớn hơn nam, vì họ còn phải dự trữ chất dinh dưỡng cho những đứa con. Vì thế mà não của chị em được "lập trình" để ra lệnh cho cơ thể ăn mỗi khi họ nhìn thấy những món ưa thích, kể cả khi dạ dày của họ chứa đầy thức ăn.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục các thử nghiệm khác để xem liệu các hoóc môn đặc trưng của nữ giới có tác động trực tiếp tới những vùng não điều khiển hành vi ăn uống hay không.
"Trong xã hội hiện đại, thực phẩm được bày bán ở khắp nơi, còn các mẩu quảng cáo về chúng cũng xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Vì thế não của chúng ta luôn ở trong tình trạng bị cám dỗ. Những hiểu biết về phản ứng của não đối với thức ăn sẽ giúp chúng ta tìm ra cách ngăn chặn cảm giác thèm ăn", Nora phát biểu.