Núi lửa phun dung nham lỏng nhất thế giới đang "chìm" dần

Ol Doinyo Lengai, núi lửa duy nhất phun dung nham carbonatite siêu lỏng, lún xuống khoảng 36 cm trong 10 năm qua.

Núi lửa Ol Doinyo Lengai ở Tanzania chìm dần vào lòng đất trong 10 năm qua, có khả năng do bể dung nham ngay dưới một trong hai miệng phun của nó đang xẹp xuống, Live Science hôm 2/8 đưa tin. Nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ, tiến hành và công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.


Núi lửa Ol Doinyo Lengai phun ra dung nham đen siêu lỏng và chuyển màu trắng khi khô. (Ảnh: Jean-Denis JOUBERT/Gamma-Rapho).

Ol Doinyo Lengai nằm trên một vùng tách giãn đang hoạt động ở Đông Phi. Nghiên cứu mới hé lộ, mặt đất xung quanh đỉnh núi này lún với tốc độ 3,6 cm mỗi năm trong giai đoạn 2013 - 2023. Điều này đồng nghĩa, ngọn núi lửa cao 2.962 m này đã lún khoảng 36 cm trong suốt thời gian nghiên cứu.

Nhóm chuyên gia sử dụng dữ liệu từ hai hệ thống vệ tinh Sentinel-1 và Cosmo-SkyMed để lập bản đồ về sự thay đổi của mặt đất xung quanh Ol Doinyo Lengai theo thời gian. Bản đồ chỉ ra rằng một vùng đất hình tròn xung quanh miệng phun phía bắc đang dịch chuyển ra xa khỏi vệ tinh với tốc độ ổn định.

Ol Doinyo Lengai là núi lửa duy nhất trên Trái đất phun dung nham carbonatite - loại dung nham cực lỏng giàu các nguyên tố kiềm như canxi, natri, và nghèo silica. Trong khi đó, đa số dung nham lại giàu silica, hỗn hợp hình thành từ oxy và những chuỗi silicon liên kết với nhau, khiến đá nóng chảy kết dính lại và có độ sệt.

"Nếu phải chọn núi lửa độc đáo nhất trên Trái đất, bạn sẽ khó tìm được ứng viên nào tốt hơn Ol Doinyo Lengai của Tanzania. Dung nham phun trào từ ngọn núi này là một trong những thứ kỳ lạ nhất mà bạn từng thấy", Erik Klemetti, nhà núi lửa học kiêm phó giáo sư tại Đại học Denison, Mỹ, cho biết. Dung nham của Ol Doinyo Lengai gây ra những vụ phun trào kỳ lạ giống như ống nước tưới vườn. Dù dung nham có màu đen hoặc xám đậm khi phun trào, nó sẽ nhanh chóng chuyển sang màu trắng khi khô lại.

Ol Doinyo Lengai sụt lún có thể do một bể dung nham ở độ sâu 1.000m bên dưới núi lửa đang xẹp xuống, nhóm nghiên cứu nhận định. Họ cho biết, hình dạng và đặc điểm của hệ thống ống dẫn dung nham nông dưới ngọn núi vẫn còn là một bí ẩn, nhưng những nghiên cứu trước đó đã gợi ý về một bể chứa nông. Bể này có thể kết nối với một khu vực chứa dung nham lớn hơn ở độ sâu 3.000 m hoặc hơn bên dưới núi lửa.

Việc theo dõi sự sụt lún của Ol Doinyo Lengai rất quan trọng trong việc dự báo các vụ phun trào. Nghiên cứu mới cũng chỉ ra, có một vết nứt dài 100m chứa đầy dung nham dọc theo rìa phía tây và có thể dài ra thêm khi ngọn núi tiếp tục phun trào và lún xuống.

Cập nhật: 05/08/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video