Dung nham nóng đỏ chảy trên tuyết gây bối rối

Nhiếp ảnh gia người Iceland đăng lên mạng xã hội thước phim ghi hình dung nham từ núi lửa Sundhnúkagígar chảy qua tuyết nhưng không bốc hơi.


 (Video: Jeroen Van Nieuwenhove).

Thước phim được Jeroen Van Nieuwenhove ghi hình trong đợt phun trào của núi lửa Sundhnúkagígar tháng 2/2024. Sự kiện này liên quan đến những đợt phun trào lớn hơn trong giai đoạn 2023 - 2024, khiến nhiều công trình tại thị trấn Grindavík bị phá hủy. Van Nieuwenhove chia sẻ thước phim trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm lớn, thu hút khoảng 500.000 lượt thích, IFL Science hôm 14/11 đưa tin.

Tuy nhiên, một số người xem tỏ ra hoài nghi và cho rằng đoạn phim do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia xác nhận đoạn phim là thật, không phải AI và không bị chỉnh sửa hay tua nhanh. "Thật thú vị vì điều này cho thấy chúng ta vẫn có thể ngạc nhiên đến mức nào trước sự độc đáo của thiên nhiên", ông viết.

Một trong những yếu tố gây bối rối là tuyết không tạo ra hơi nước khi tiếp xúc với dung nham nóng đỏ. Van Nieuwenhove tìm hiểu vấn đề này và được giải thích rằng có thể liên quan đến hiệu ứng Leidenfrost. Hiệu ứng Leidenfrost được mô tả lần đầu vào thế kỷ 18. Theo đó, chất lỏng khi gần một vật thể nóng hơn đáng kể có thể tạo ra một lớp hơi cách nhiệt ngăn nó sôi nhanh.


Dung nham từ núi lửa Sundhnúkagígar chảy trên tuyết.

"Dung nham nóng đến mức làm tan lớp tuyết bên trên, tạo ra một lớp hơi tạm thời che chắn phần bên dưới khỏi nhiệt, tương tự như những gì bạn thấy khi những giọt nước di chuyển trên một tấm kim loại nóng. Dung nham chảy nhanh đến mức trùm lên tuyết trước khi tan chảy. Kết quả là, tất cả đều mắc kẹt dưới dung nham", Van Nieuwenhove giải thích.

Van Nieuwenhove cho biết, một số hiểu lầm của người xem cũng có thể bắt nguồn từ tính chất vật lý kỳ lạ của dung nham. "Một điều tôi nhận ra khi ghi hình chuỗi phun trào liên tục ở Iceland 4 năm qua là đa số mọi người đánh giá sai về cách dung nham hoạt động. Tôi cho rằng các hiệu ứng đặc biệt trong phim đã gây ảnh hưởng khá lớn. Mọi người ngạc nhiên trước vẻ ngoài, cách di chuyển, âm thanh và cách dung nham tương tác với môi trường xung quanh. Dung nham là một chất kỳ lạ và trông siêu thực trong video", nhiếp ảnh gia viết.

Cập nhật: 18/11/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video