Nồng độ cao của thủy ngân trầm tích củng cố giả thuyết khủng long trỗi dậy thống trị Trái Đất sau chuỗi sự kiện núi lửa phun trào 200 triệu năm trước.
Nghiên cứu mới của Tamsin Mather, giáo sư ngành Khoa học Trái Đất, Đại học Oxford, Anh củng cố giả thuyết núi lửa phun trào mạnh ở 200 triệu năm trước gây biến đổi khí hậu toàn cầu, dẫn đến sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp và mở đường cho sự trỗi dậy của khủng long, Conversation ngày 21/6 đưa tin.
Trước đây, các nhà địa chất học phát hiện lớp vỏ Trái Đất chứa lượng lớn đá núi lửa cuối kỷ Tam Điệp. Dữ liệu hóa thạch cho thấy trong thời kỳ này, một lượng lớn các giống loài trên Trái Đất bị tuyệt diệt, mở đường cho sự sinh sôi của khủng long và những giống loài còn trụ lại.
Các nhà khoa học cho rằng chuỗi phun trào núi lửa gây ra sự kiện đại tuyệt chủng, mở đường cho khủng long trỗi dậy. (Đồ họa: Conversation).
Theo các nhà khoa học, hoạt động núi lửa diễn ra trong khoảng một triệu năm gây biến đổi khí hậu toàn cầu, dẫn đến cuộc đại tuyệt chủng. Mắt xích còn thiếu trong giả thuyết là bằng chứng về sự kiện mang quy mô toàn cầu đó.
Nghiên cứu 6 dữ liệu trầm tích liên quan sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp, trên 4 lục địa ở hai bán cầu, Mather và đồng nghiệp phát hiện sự tăng cao của nồng độ thủy ngân, được sinh ra từ hoạt động phun trào của núi lửa do mẫu trầm tích ở Morocco chứa đá núi lửa từ lớp nham thạch lớn (CAMP).
CAMP sinh ra sau chuỗi phun trào núi lửa mạnh trên siêu lục địa Pangaea, tồn tại trong Đại Trung sinh, từng chứa tất cả các lục địa ngày nay trước khi vỡ ra khoảng 200 triệu năm trước.
Nồng độ cao của thủy ngân cũng được phát hiện giữa lớp trầm tích liên quan đến sự kiện đại tuyệt chủng và lớp trầm tích đánh dấu sự bắt đầu của kỷ Jura, diễn ra khoảng 100.000-200.000 năm sau đó.
Sự phù hợp giữa lượng thủy ngân được giải phóng vào bầu khí quyển và lắng vào các lớp trầm tích với sự gia tăng của CO2 trong bầu khí quyển vào thời điểm trên, củng cố giả thuyết trước đây cho rằng CO2 gây ra sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp được sinh ra từ núi lửa.
Núi lửa hiện đại khi phun trào sinh ra lượng lớn khí SO2, CO2 và thủy ngân. Thủy ngân có thể tồn tại và chu du trong khí quyển từ 6-24 tháng trước khi lắng vào các lớp trầm tích ở đáy hồ, sông và biển.