Nước biển Việt Nam bị nhiễm phóng xạ?

Các nhà khoa học khẳng định thời gian trước mắt nước biển của Việt Nam không bị nhiễm phóng xạ và sinh vật trên biển thuộc địa phận của Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng.

PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, ngay sau khi biết tin Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản xả 11.500 tấn nước nhiễm phóng xạ nhẹ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima I ra biển Thái Bình Dương, Viện đã chỉ đạo kiểm tra sự nhiễm xạ trong nước biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Ninh Thuận, song không phát hiện phóng xạ trong nước biển.

Khó trôi theo biển về Việt Nam


Biển Việt Nam vẫn an toàn trước phóng xạ (Ảnh: Như Ý)

Theo tính toán về các dòng chảy trên thế giới, GS.TS Đinh Văn Ưu, Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, không có dòng nước nào phía Đông Nhật Bản chảy thẳng về phía biển Việt Nam.

“Về lâu dài không thể nói được điều gì, nhưng trong khoảng thời gian vài ba tháng sẽ không lo ngại bị ảnh hưởng. Lý do, nước chảy về phía Đông Bắc, do vậy sẽ phải chảy sang Mỹ trước, sau đó mới quay về Việt Nam nên việc nước nhiễm phóng xạ chảy về Việt Nam có thể không xảy ra”, GS Ưu khẳng định.

GS Ưu cũng cho biết, do hoàn lưu trong nước khác so với không khí, vì thế về lâu dài, khả năng nước biển nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản chảy về Việt Nam cũng hiếm. Tồn tại lâu trong nước, độ phóng xạ có thể bị khuếch tán. Tuy nhiên, điều mà GS Ưu thực sự lo ngại đó là lượng phóng xạ sẽ bị nhiễm vào tôm, cá và các sinh vật khác thuộc vùng biển của Nhật Bản.

Kết quả đo nước biển nhiều ngày nay tại các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy chưa phát hiện phóng xạ trong nước biển tại Việt Nam. Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cũng thường xuyên lấy mẫu nước biển tại Ninh Thuận chưa phát hiện ra phóng xạ trong nước biển.

Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho biết: Việc lấy mẫu kiểm tra được tiến hành cả tuần qua nhưng chưa phát hiện phóng xạ trong nước biển. Nhật Bản thải nước phóng xạ ra biển nhưng ở nồng độ thấp, có chăng phóng xạ chỉ ở vùng gần khoảng 30km so với nơi thải ra.

Không lo cá, tôm nhiễm phóng xạ

Nhiều người tỏ ra lo ngại về việc, cá tôm hay các sinh vật trong biển của Việt Nam bị nhiễm phóng xạ, GS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, khẳng định không ngại việc này.

Theo GS An, về nguyên tắc, dòng chảy về biển Đông của Việt Nam vẫn có khả năng chuyển tải lượng phóng xạ, nhưng với lượng phóng xạ như hiện nay, nếu về đến Việt Nam thì cũng không có gì đáng ngại. Với các loài cá thuộc biển của Nhật Bản là giống cá xứ lạnh, chúng không thể vào biển của Việt Nam. “Nhiệt độ và độ mặn là rào ngăn cản sinh vật, do vậy cá Nhật Bản nếu vào biển Việt Nam sẽ bị chết ngay. Đây còn gọi là rào cản sinh thái. Chỉ ngại một việc cá đánh từ biển Nhật Bản thì cũng cần lưu tâm”, GS An nói.


Cho đến nay đa phần các trạm quan trắc của CTBTO ở Bán Cầu Bắc đều đã phát hiện hạt nhân phóng xạ, được biểu thị trong hình.

Những thông tin mới nhất về tình hình phóng xạ môi trường tại Nhật Bản cho thấy, mức độ phóng xạ đo được ngoài khơi Fukushima đã lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Cụ thể tại điểm lấy mẫu cách nhà máy Fukushima I 30 km về phía Đông, ngày 11.4 đã đo được I-131 ở mức 88,5 Bq/l, gấp 2,2 lần giới hạn cho phép đối với nước thải từ cơ sở hạt nhân.

Cs-137 đo được cũng ở mức cao nhất trong vòng mấy tuần qua, nhưng vẫn nhỏ hơn giới hạn cho phép. Tại điểm lấy mẫu cách nhà máy 15 km, I-131 ở mức gấp 23 lần giới hạn cho phép.

Trong khi đó, kết quả đo phóng xạ trong vùng biển gần nhà máy có xu hướng giảm nhanh. Ngày 11.4, kết quả đo I-131 và Cs-137 tại các điểm gần nhà máy đều dưới 1,5 kBq/l, còn tại điểm đo cách cổng xả của Tổ máy 5 và 6 khoảng 30 m là khoảng 7 kBq/l.

Theo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video