Đến thời điểm hiện tại, tiến sỹ Nathan Welham nhận định rằng việc thay thế dây thanh quản đã bị tổn thương của con người trên lý thuyết là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Các nhà khoa học nuôi cấy thành công dây thanh quản nhân tạo
Những người vô tình bị mất đi khả năng nói của mình do bị đứt dây thanh quản hoặc mắc bệnh ung thư thanh quản đã hoàn toàn có thể hy vọng vào việc hồi phục giọng nói của mình nhờ những chiếc dây thanh quản nhân tạo đến từ những phòng thí nghiệm sinh học. Điểm đáng chú ý là những bộ phận nhân tạo này có thể hoạt động giống như những bộ phận thật và chúng hoàn toàn đủ khả năng thay thế những dây thanh quản đã bị tổn thương.
Những nhà khoa học tại đại học Wisconsin-Madison (Hoa Kỳ) đã trở thành những người đầu tiên thực hiện quá trình nuôi cấy các mô dây thanh quản trong phòng thí nghiệm bằng cách thu thập tế bào tạo nên mô dây thanh quản của con người, sau đó xử lý tiệt trùng và lắp chúng vào một bộ khung làm từ vật liệu 3D có hình dáng giống như dây thanh quản của người. Các tế bào tiếp tục phát triển trong vòng 2 tuần sau đó, chúng dần dần tạo thành một "dây thanh quản" với độ nhớt và độ đàn hồi tương tự như bộ phận gốc của con người.
Để kiểm tra khả năng hoạt động của bộ phận cấy ghép này, đội ngũ nghiên cứu đã tiến hành lắp thử nó lên phần thanh quản của một con chó đã chết. Dây thanh quản nhân tạo được nốt liền với khí quản của chó, sau đó một luồng khí được thổi qua khu vực này với mục đích mô phỏng âm thanh của dây thanh quản khi con chó vẫn con sống. Kết quả thu được là khá khả quan khi tần số rung của bộ phận nhân tạo này không có sự khác biệt quá lớn so với phiên bản thật của nó. Tiếp đó, để kiểm tra khả năng tương thích của cơ thể sống với bộ phận nhân tạo, các nhà khoa học đã cấy chép dây thành quản này lên một con chuột thí nghiệm đã được điều chỉnh ADN sao cho có hệ miễn dịch tương tự như con người. Sau khi cấy ghép thành công và theo dõi trong vòng 3 tháng, con chuột không hề có biểu hiện khác lạ về các chỉ số sinh học cũng như cơ thể của vật thí nghiệm đã chấp nhận bộ phận nhân tạo này một cách bình thường.
Dây thanh quản nhân tạo từ phòng thí nghiệm.
Tiến sỹ Nathan Welham, chuyên gia nghiên cứu về bệnh lý học âm thanh và cũng là người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết dây thanh quản con người sẽ mất tới 13 năm để phát triển hoàn chỉnh nên nếu chúng bị tổn thương thì sẽ rất khó để hồi phục, trong khi đó với các dây thanh quản nhân tạo thì chỉ mất vài tháng là những sản phẩm sinh học này có thể hoạt động như những thứ đồ thật. Một vấn đề được ông và các đồng nghiệp rất quan tâm là dự án này chỉ dựa trên những mô tế bào dây thanh quản thật, nhưng nguồn cung cấp chúng thì khá hạn chế do phụ thuộc nhiều vào việc hiến tặng từ những bệnh nhân đã qua đời. Do đó, tiến sỹ Welham khẳng định nếu có thể phát triển thành công dây thành quản nhân tạo từ tế bào gốc mới thực sự là một bước tiến đáng kể.
Đến thời điểm hiện tại, tiến sỹ Nathan Welham nhận định rằng việc thay thế dây thanh quản đã bị tổn thương của con người trên lý thuyết là hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng sẽ phải mất một chút thời giản nữa để ông và các đồng nghiệp hoàn thiện nghiên cứu của mình hơn nữa trước khi tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người.