Nuôi cấy thành công nguyên bào sợi

Ngày 13/12, Hội đồng nghiệm thu do Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM lập đã nghiệm thu đề tài “Qui trình nuôi cấy nguyên bào sợi người phù hợp điều kiện Việt Nam”. Đây là đề tài nghiên cứu của BS. Nhan Ngọc Hiền và nhóm cộng sự thuộc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM.

BS. Nhan Ngọc Hiền đã nuôi cấy nguyên bào sợi thành công trong các chai cấy. Trong ảnh là nguyên bào sợi được phóng đại 400 lần.

Đây sẽ là bước khởi đầu để tiến tới nuôi cấy những tế bào khác như tế bào gốc tủy xương trên các loại vật liệu sinh học dùng để ghép.

Hiện nay, trên thế giới các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy thành công hầu hết các loại tế bào ở người. Nhưng Việt Nam hầu như chưa có nghiên cứu nào về nuôi cấy tạo nguồn nguyên bào sợi cũng như khảo sát các yếu tố ảnh hưởng kết quả nuôi cấy trong điều kiện môi trường Việt Nam.

Chính vì vậy, đề tài này làm cơ sở nghiên cứu nuôi cấy các loại tế bào và chế tạo các giá thể có tế bào tiềm năng để ứng dụng làm vật liệu ghép. Do đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng qui trình nuôi cấy nguyên bào sợi người phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trong quá trình xây dựng, nhóm nghiên cứu đã xác định mô gai nhau của thai dưới 12 tuần tuổi là nguồn nguyên bào sợi thích hợp nhất so với các nguồn mô khác.

Tế bào là một đơn vị chức năng cơ bản của sự sống, nguồn nguyên liệu cho các nghiên cứu Y sinh. Trong Y học, tế bào được nuôi cấy ngoài cơ thể để khảo sát các đáp ứng của cơ thể với những tác nhân kích thích khác nhau. Nguyên bào sợi là nguồn tế bào cơ bản dùng trong nghiên cứu do đặc tính phát triển nhanh, mạnh trong môi trường nuôi cấy ngoài cơ thể.

Dòng nguyên bào sợi có nhiều tiềm năng ứng dụng. Trong chẩn đoán, nó giúp xác định nguyên nhân dị tật có liên quan đến di truyền, bệnh xơ phổi, xơ cứng bì, thoái hóa não (Alzeimer), các rối loạn nhiễm sắc thể trong chẩn đoán tiền sanh. Trong lĩnh vực điều trị, nguyên bào sợi có nhiều ứng dụng trong cấy ghép như cấy trên màng sinh học tạo da nhân tạo. Trong nghiên cứu, nguyên bào sợi là lớp nền nuôi cấy tế bào khác như tế bào gốc, tế bào ung thư….

Đề tài xây dựng qui trình nuôi cấy nguyên bào sợi người” đã được tiến hành từ tháng 11/2004 và kết thúc vào tháng 12/2005, với kinh phí là 95 triệu đồng. Tuy nhiên do thời gian nghiên cứu chỉ có một năm trong khi nguyên bào sợi có vòng đời sinh sản khoảng 50 thế hệ sau đó tế bào ngừng phân chia và sống thêm 18 tháng, nên nhóm nghiên cứu đã không khảo sát được tuổi thọ của dòng nguyên bào sợi thu được.

Trong tương lai nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng hơn trong việc nuôi cấy nguyên bào sợi trên giá thể san hô, ghép thử trên mô hình thực nghiệm động vật. Ngoài ra, kết quả của đề tài này cũng sẽ giúp phân lập tạo dòng nguyên bào sợi thuần chủng nhằm nghiên cứu sự biệt hóa nguyên bào sợi thành nguyên bào xương.

Hương Cát
Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video