Nếu có dịp tới chơi Nam Cực mùa chim cánh cụt ấp trứng, bạn hãy dè chừng những đường dung dịch trắng nhờ bắn ra từ tổ chim nhé.
Dọc bờ biển của lục địa Nam Cực tồn tại hai loài chim cánh cụt trông hơi … ngố, với bản mặt và đôi mắt như được ai đó dùng bút vẽ vào chứ chẳng phải được tự nhiên ban cho. Nhưng bạn đừng nhìn mặt mà bắt hình dong! Hai loài chim cánh cụt quai mũ và cánh cụt Adélie không ngây ngô như bạn tưởng đâu. Tới mùa ấp trứng, chúng hiểu rõ rằng không thể để đứa con chưa ra đời của mình hớ hênh trước con mắt nhòm ngó của kẻ đói khát, nên hai loài cánh cụt này đã tìm ra được cách đi vệ sinh nặng mà chẳng phải rời tổ.
Vểnh đuôi lên, chĩa “bàn tọa” ra khỏi tổ, những con cánh cụt sẽ phun ra một đường phân dài đến bất ngờ; hành động phóng uế vừa giữ được tổ cho sạch, lại vừa giải quyết nỗi buồn một cách nhanh chóng.
Chim cánh cụt quai mũ.
Chim cánh cụt Adélie.
Hồi 2003, có hai nhà vật lý học tò mò về hành vi kỳ lạ này, họ quyết tìm ra được đáp án cho câu hỏi: áp lực mà những con cánh cụt kia có thể tạo ra lúc đại tiện là bao nhiêu? Câu trả lời “gấp 3 lần khả năng của con người” đã mang về cho họ giải Ig Nobel năm 2005. Tiếp nối thành công năm xưa, có thêm hai nhà nghiên cứu người Nhật mong muốn tính được “đạn đạo” của phân và mong muốn tính toán lại áp lực mà hậu môn con cánh cụt có thể tạo ra. Bản nháp nghiên cứu của nhóm khoa học Nhật Bản mới được đăng tải trên kho chứa tài liệu nghiên cứu chưa qua kiểm duyệt arXiv.
Theo lời đồng tác giả nghiên cứu năm 2003 xưa kia, chuyên gia Victor Benno Meyer-Rochow tới từ Viện Nghiên cứu Sinh vật Dạ quang Nhật Bản, kể lại về chuyến thám hiểm Nam Cực, khởi đầu hành trình đi tìm hiểu về những “cỗ máy tưới phân” nơi đây. Ban đầu, nhóm nghiên cứu tới đây để lấy mẫu vài loài giun biển địa phương và một loài côn trùng nhỏ có tên “sâu xuân”; anh Meyer-Rochow cũng chụp nhiều ảnh chim cánh cụt để làm tư liệu soạn giáo án.
"Đâu? Ai? Làm gì có ai phóng uế bừa bãi đâu?"
Trong một buổi hội nghị chuyên đề tại Đại học Kitasato, một cô gái thắc mắc về tấm ảnh cho thấy một con cánh cụt đang ngồi thu lu trong tổ, hỏi đường kẻ có màu trắng hồng phun ra từ tổ là thứ gì. Cô cho rằng đó là vật trang trí tổ và không rõ con cánh cụt làm thế nào mà tạo ra món đồ thú vị thế.
“Tôi giải thích rằng một con chim cánh cụt đứng lên, đi về phía rìa tổ, vểnh đuôi lên, rồi bắn ra từ mông một đường dung dịch trắng nhờ dài khoảng 30-40cm”, Meyer-Rochow kể lại sự kiện trên trong một bài blog. “Ai cũng cười ngặt nghẽo chỉ trừ cô gái đặt câu hỏi. Cô ngượng chín mặt và từ từ ngồi xuống”. Anh nói thêm: màu của phân chim phụ thuộc vào bữa ăn trong ngày của nó; nếu thành phần chính là cá thì phân sẽ có màu trắng, nếu như con chim cánh cụt ăn thêm nhuyễn thể, thì phân sẽ có thêm ánh hồng.
Mô tả trong nghiên cứu đoạt giải Ig Nobel 2005.
Meyer-Rochow cho rằng đó không phải câu hỏi vô nghĩa, nhất là khi anh còn viết cả nghiên cứu về nó. Trong số ảnh anh mang về, rất nhiều tấm cho thấy những con chim cánh cụt đang chuẩn bị đại tiện và vài tấm cho thấy độ dài đáng nể của đường dung dịch phun ra. Đo độ dài đường phân ấy thì dễ, anh cũng chẳng gặp khó khăn gì trong việc xác định độ cao của đường phân cũng như đường kính lỗ hậu môn của con vật nhỏ. Anh còn xác định được cả độ dính của phân chim.
Meyer-Rochow phân tích những thông tin trên cùng anh Jozsef Gal tới từ Đại học Loránd Eötvös và tính được lực và áp suất cần có để đường phân dài được tới 30-40cm.
Kết luận của báo cáo khoa học đã giành được giải Ig Nobel: áp suất bên trong con chim cánh cụt có thể lên tới mức từ 10-50 kilopascal, tương ứng 600 gram/cm2), lớn hơn nhiều mức con người có thể đạt tới khi đại tiện. Meyer-Rochow nói rằng mức áp suất có thể tương ứng với “ít nhất một nửa áp suất có trong lốp xe chúng ta”. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2003 không tìm hiểu cách thức chọn hướng phóng uế của con chim cánh cụt; liệu “đạn đạo” dựa vào hướng gió, hay quyết định nằm tại bản thân con chim cánh cụt?
Trong báo cáo nghiên cứu mới nhất, nhà khoa học Hiroyuki Tajima tới từ Đại học Kochi và Fumiya Fujisawa tới từ Công viên thủy sinh Katsurahama tại Kochi, Nhật Bản nhận định rằng nghiên cứu xưa đã không tính tới đường bay của phân mà chỉ tập trung vào khoảng cách bay của tia phân. Tajima và Fujisawa cho rằng góc bay không phải lúc nào cũng nằm ngang, nhất là khi chim cánh cụt lại xây tổ ở vị trí cao, đó là còn chưa kể tới con chim có lúc còn đại tiện khi đứng bên vách đá.
Hình minh hoạt trong nghiên cứu mới của hai nhà khoa học người Nhật.
Sử dụng công thức mà Newton luận ra từ thuở xưa, hai nhà nghiên cứu Nhật Bản tính toán độ xa tối đa mà tia phân chim đạt tới là 1,34 mét. Tajima và Fujisawa cũng tính lại áp suất trong hậu môn con chim để có được đường bay như vậy; họ phát hiện ra rằng con số mới còn cao hơn nghiên cứu xưa kia. Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu chưa đưa ra kết luận cuối cùng khi chưa tính được tính thủy động lực học của đống phân lỏng trong dạ dày và khi bay trên không trung. Họ nói rằng sẽ để những bí ẩn này lại cho các nghiên cứu trong tương lai.