Nước thải sinh hoạt trong hệ thống kênh tiêu thoát nước TP hiện là vấn đề rất nghiêm trọng, có thể tạo ra nguy cơ ô nhiễm cao đến nguồn nước mặt trên sông Sài Gòn.
Mỗi lần thực hiện kiểm tra, các chỉ số ô nhiễm đều gia tăng (Ảnh: B.Trung) |
Kênh rạch ô nhiễm tăng 95.000 lần
Trong loạt bài về ô nhiễm môi trường mới đây, Báo NLĐ đã từng đề cập đến “những con kênh chết” ở khu vực nội thành, kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm 2006 của Chi cục Bảo vệ môi trường TP khẳng định thêm: mức độ ô nhiễm hệ thống kênh Tàu Hũ- Bến Nghé đã gia tăng từ 19.000 đến 95.000 lần so với 6 tháng đầu năm 2005. Riêng kênh Tân Hóa – Lò Gốm bị ô nhiễm nặng nề nhất với thành phần chủ yếu là BOD5 trong 6 tháng đầu năm đã biến thiên trong khoảng từ 90 mg/l đến 164 mg/l, cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Giá trị DO bằng 0 kéo dài từ năm 2001 đến nay cho thấy đây là một hệ thống kênh chết, không còn khả năng tự làm sạch. Các chuyên gia về môi trường cảnh báo, nước thải sinh hoạt trong hệ thống kênh tiêu thoát nước TP hiện là vấn đề rất nghiêm trọng, có thể tạo ra nguy cơ ô nhiễm cao đến nguồn nước mặt trên sông Sài Gòn.
Kinh hãi nước thải bệnh viện
Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường, trên địa bàn TPHCM hiện có 109 bệnh viện và trung tâm y tế bao gồm 83 bệnh viện, tập trung chủ yếu ở các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình. Tổng lượng nước thải của các bệnh viện và trung tâm y tế khoảng 17.276 m3/ngày, tuy nhiên phần lớn đều không được xử lý tốt. Từ nước giặt, vệ sinh của nhân viên y tế đến nước xét nghiệm, giải phẫu... đều bị ô nhiễm nặng về vi sinh và hữu cơ với hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép từ 100 đến 1.000 lần. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 3.120 m3 nước thải/ngày được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường và chỉ có 78/109 bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện có hệ thống xử lý nước thải.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết có 2 nguyên nhân dẫn đến tình hình nước thải y tế tăng cao và việc xử lý kém hiệu quả. Đó là việc vận hành và bảo trì đối với hệ thống xử lý nước thải chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều nơi xuống cấp trầm trọng và phải ngưng hoạt động. Ngoài ra, do nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao, nhiều nơi đã nâng công suất lên mà không đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải.
Nói về tình trạng xử lý nước thải ở các cơ sở y tế, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, tỏ ra rất băn khoăn. Ông kể: “Trong một lần kiểm tra các cơ sở y tế, đoàn đã phát hiện một trạm y tế của một quận trong TP đã để 3 chiếc xe rút hầm cầu “trú ngụ” ngay trong khuôn viên trạm”!
Nước ngầm, nước mặt đều S.O.S!
Theo các tài liệu quan trắc mực nước từ năm 2000 đến nay, mực nước trong các tầng chứa nước ngày càng hạ thấp, đây là nguy cơ cạn kiệt tầng chứa nước. Mực nước hạ thấp kéo theo sự xâm nhập mặn và các chất ô nhiễm vào tầng chứa nước, nguy cơ sụt lún mặt đất do tầng chứa nước bị tháo khô. Nước ngầm ở các trạm quan trắc Trường Thọ, Linh Trung bị nhiễm sắt vuợt tiêu chuẩn cho phép và cao hơn 6 tháng đầu năm 2005. Nghiêm trọng hơn, mực nước ngầm ở tầng nông tại trạm Bình Hưng đã bị nhiễm phèn nặng.
Cùng chung số phận, tình trạng nước mặt trên sông Sài Gòn và Đồng Nai cũng ở khu vực cuối nguồn cũng đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Kết quả phân tích colifoorm 6 tháng đầu năm tại trạm quan trắc trên sông Đồng Nai tăng 50 lần so với năm trước. Theo đánh giá của cơ quan môi trường, ở các trạm Phú Cường, Bình Phước, Phú An (sông Sài Gòn) cũng bị nhiễm hữu cơ, dầu và vi sinh.