Các nhà khảo cổ học Peru đã khai quật được bốn bộ hài cốt có niên đại hơn 3.000 năm tại một vùng đất cằn cỗi ở phía bắc nước này. Theo các nhà khảo cổ, địa điểm này có thể từng là ngôi đền tôn vinh các vị thần của một nền văn hóa địa phương cổ đại.
Hài cốt và các bức tường có thể có niên đại từ 3.100 đến 3.800 năm. (Ảnh minh họa).
Các hài cốt và vật dụng dùng trong tang lễ được tìm thấy gần một thung lũng ở tỉnh Viru thuộc vùng La Libertad, Peru. Trước đó, dấu tích của nhiều nền văn hóa cổ đại lớn trong nhiều thiên niên kỷ cũng được tìm thấy tại đây. Ông Feren Castillo, nhà khảo cổ học tại Đại học Quốc gia Trujillo, Peru, cho biết hài cốt và các bức tường có thể có niên đại từ 3.100 đến 3.800 năm.
“Phát hiện này cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn về sự phát triển văn hóa ở khu vực này. Có thể có nhiều ngôi mộ nữa ở quanh đây. Không gian này rất quan trọng. Mọi người muốn được chôn cất trong các ngôi đền, giống như trong nhà thờ Công giáo, mọi người từ lâu đã muốn được chôn cất gần nhà thờ. Vì nhà thờ rất quan trọng, rất linh thiêng đối với họ”.
Nghiên cứu khảo cổ tại Peru góp phần làm phong phú thêm kiến thức về lịch sử và văn hóa của các nền văn minh cổ đại. Vì Peru là nơi có nhiều nền văn minh cổ đại quan trọng như Inca, Moche, Nasca và Wari. Peru là quê hương của đế chế Inca tồn tại hơn 500 năm trước, thống trị một vùng lãnh thổ rộng lớn từ miền nam Ecuador và Colombia đến miền trung Chile.
Nghiên cứu khảo cổ tại Peru giúp hiểu rõ hơn về lịch sử, xã hội, tôn giáo và công nghệ của những nền văn minh đồng thời khám phá sự phát triển của nhân loại nói chung.